(HNM) - Đầu tháng 9 vừa qua, lô quả nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Để vượt qua những rào cản kỹ thuật, thâm nhập thị trường quốc tế, đây thực sự là nỗ lực không nhỏ của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành thành phố.
Chăm sóc vườn nhãn chín muộn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). |
Chia sẻ niềm vui khi 19 tấn nhãn chín muộn của địa phương được xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu, Chủ tịch UBND xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Nguyễn Huy Anh cho biết: "Sau nhiều năm khôi phục, không chỉ bảo tồn, phát triển được giống cây ăn quả quý, người dân Đại Thành đã vươn lên làm giàu từ trồng nhãn chín muộn".
Cùng tâm trạng, anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Tình Lam, xã Đại Thành, cho hay: "Gia đình tôi trồng 16 gốc nhãn chín muộn theo tiêu chuẩn VietGAP, năm nay, thời tiết thuận lợi, dự kiến cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả nhãn tươi, với giá bán tại vườn 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho thu lãi hơn 50 triệu đồng".
Không riêng gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, nhiều hộ gia đình ở xã Đại Thành đã vươn lên làm giàu từ trồng cây nhãn… Theo UBND xã Đại Thành, từ năm 2010, diện tích trồng nhãn chín muộn của địa phương là 115ha. Năm 2013, quả nhãn chín muộn Đại Thành được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2016, sản phẩm nhãn chín muộn đã được xuất khẩu sang Malaysia và được người tiêu dùng nước này phản hồi tốt.
Từ những thành công đó, người dân xã Đại Thành tiếp tục nhân rộng diện tích trồng nhãn chín muộn theo hướng an toàn. Hiện, hơn 90% hộ gia đình trên địa bàn xã đang đầu tư thâm canh trồng nhãn chín muộn theo quy trình VietGAP. Toàn xã có 165ha trồng nhãn chín muộn, trong đó có 115ha đang cho thu hoạch. Xã Đại Thành đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây nhãn. Năm 2018, thời tiết thuận lợi cho cây nhãn ra hoa, kết quả, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất, năm nay người dân xã Đại Thành có vụ nhãn bội thu. Dự kiến, sản lượng đạt 2.500 tấn quả nhãn tươi, với giá trị thu nhập khoảng 60 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành Đinh Văn Phích cho biết, kết hợp nuôi ong với trồng nhãn, từ đầu mùa hoa nhãn đến nay, với 5 nghìn đàn ong nuôi, toàn xã đã thu được hơn 50 tấn mật ong, giá trị thu nhập đạt hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân nơi đây còn có nhiều nguồn thu từ bán cây giống và chăn nuôi gia cầm dưới tán cây nhãn cho thu nhập tăng thêm khoảng 3 tỷ đồng.
Đánh giá về tiềm năng cây nhãn chín muộn, đặc biệt là khi trái cây này vượt qua nhiều rào cản, đáp ứng các yêu cầu để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng: Đây không chỉ là nỗ lực của người dân Đại Thành mà còn là thành công của ngành Nông nghiệp Hà Nội… Với định hướng chuyển đổi cơ cấu trồng cây, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị kinh tế lớn, mô hình trồng nhãn chín muộn của Hà Nội đã đáp ứng được những yêu cầu đặt ra… Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ngoại thành mở rộng diện tích trồng nhãn chín muộn, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.