(HNM) - Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2018, địa bàn thành phố không phát sinh mới điểm phức tạp về ma túy, các lực lượng chức năng đã đấu tranh giải quyết 2 điểm phức tạp về ma túy tại tổ dân phố 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) và số nhà 22, ngõ 10, Hà Trì 1 (phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
Tuy vậy, thành phố vẫn còn 1 điểm phức tạp về ma túy (thôn Vĩnh Xương Thượng, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức), 6 đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh và 11 địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy. So với chỉ tiêu đề ra, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy nói chung đạt tỷ lệ cao (hơn 130%) nhưng lại không đồng đều giữa các địa phương, có đơn vị đạt tỷ lệ thấp (dưới 50%) như các huyện Quốc Oai, Thanh Oai…
Cùng với đó, hoạt động của tội phạm ma túy trên các tuyến trọng điểm về, qua địa bàn Hà Nội và đi các địa phương khác để tiêu thụ vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt gia tăng trên các tuyến từ miền Trung, miền Nam về Thủ đô. Đối với hoạt động này, trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện, khám phá 99 vụ với 184 đối tượng.
Thượng tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các đối tượng còn lợi dụng đường hàng không, đường sắt, chuyển phát nhanh để vận chuyển ma túy; đồng thời đã xuất hiện các vụ vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào và các đối tượng người nước ngoài hoạt động mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn Hà Nội.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại là hoạt động tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, tiền chất ma túy đang ngày càng trở nên khó lường. Theo Thượng úy Bùi Đức Hạnh, Phó Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm về tiền chất ma túy tổng hợp (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy), thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số chất ma túy mới như F5-MDMB-PICA, chưa có trong danh mục chất ma túy và tiền chất được quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, đã xuất hiện hoạt động trồng cây có chứa chất ma túy tại nhà riêng, khu chung cư và thủ đoạn mới là tách chiết ma túy, tiền chất ma túy từ thuốc tây, thậm chí là từ thuốc thú y.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 20-2-2019 về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố năm 2019. Trong đó, UBND thành phố đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.200 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó có 1.320 vụ có tính chất mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy; triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2018; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết dứt điểm; duy trì, giữ 7 xã trong năm 2018 đạt “không có tệ nạn ma túy”; phấn đấu xây dựng mới 4 xã đạt “không có tệ nạn ma túy”.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các quận, huyện, thị xã phải tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm về ma túy, kiên quyết không để tồn tại tụ điểm phức tạp về ma túy gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Công an thành phố sẽ tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và các tuyến đường cửa ngõ, quốc lộ đi qua thành phố. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng tập trung phát hiện, triệt phá các tổ chức, đường dây ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, lực lượng công an tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhân rộng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.