(HNM) - Giao thông vận tải (GTVT) là một trong những ngành được Chính phủ thành lập ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945). Trải qua 65 năm xây dựng, trưởng thành, ngành đã có nhiều đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của nước nhà.
- Xin Bộ trưởng giới thiệu khái quát về công tác xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật chuyên ngành thời gian qua?
- Hệ thống pháp luật về GTVT bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP ban hành để điều chỉnh hoạt động về GTVT. Chỉ tính từ năm 2000 đến tháng 8 năm 2010, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 624 văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, ngành đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh, sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.
- Dưới góc độ quản lý chuyên ngành, Bộ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của những văn bản pháp quy đã ban hành?
- Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là một bước để đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đánh giá hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật trước hết cần xem xét văn bản đó có thể hiện đúng tinh thần, nội dung của chính sách, đã quy định cụ thể, khoa học điều kiện triển khai thực hiện trên thực tế chưa. Các văn bản được ban hành theo một quy trình chặt chẽ, thống nhất từ khi lập chương trình đến giai đoạn xây dựng, ban hành. Chất lượng văn bản đã được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về GTVT, đồng thời tạo môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH.
- Bộ đã và đang soạn thảo những văn bản gì mới để hoàn thiện?
- Đến nay, các văn bản luật, bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GTVT đã được ban hành tương đối đầy đủ. Năm 2010, Bộ tiếp tục xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ cũng như một số văn bản khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về GTVT. Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2010 được ban hành kèm theo Quyết định số 2072/QĐ-BGTVT ngày 26-7-2010, Bộ tiếp tục xây dựng trình Chính phủ 4 văn bản (gồm 2 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và ban hành theo thẩm quyền 29 thông tư và 3 thông tư liên tịch. Bộ phối hợp với UBND cấp tỉnh xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của địa phương. Giai đoạn 2010-2020, Bộ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật chuyên ngành về GTVT, dự kiến xây dựng một số dự án luật mới như Luật Đường bộ cao tốc, Luật Đường sắt cao tốc... để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước.
- Để việc ban hành các văn bản pháp quy đem lại nhiều hiệu quả, ông có kiến nghị gì với các bộ, ngành liên quan để luật thực sự đi vào cuộc sống?
- Thời gian qua, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như tổ chức thực hiện quy định của pháp luật. Một trong những bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng văn bản pháp luật và đưa vào cuộc sống là cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các bộ, ngành. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện quy định một cách hiệu quả trên thực tế. Bộ mong sẽ nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thông tin, truyền thông trong công tác xây dựng cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật về GTVT đến người dân, tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.