(HNM) - Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, song không vì thế mà ngành Du lịch “đứng yên”. Khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên ở nước ta được khống chế, ngay lập tức ngành Du lịch đã triển khai chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" để kích cầu du lịch nội địa. Hàng loạt chính sách đã được thực thi như đẩy mạnh quảng bá các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn...; đồng thời, ngành Du lịch thông tin rộng rãi về mức độ an toàn điểm đến…
Vì vậy, chỉ sau thời gian ngắn, những giải pháp kịp thời này đã phát huy hiệu quả. Nhiều điểm đến ở Thủ đô cũng như cả nước đã đón lượng du khách đông đảo trở lại. Tuy nhiên, khi Việt Nam lại xảy ra lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng từ cuối tháng 7-2020, ngành kinh tế “không khói” một lần nữa đối mặt nhiều khó khăn.
Nhờ sự nỗ lực chống dịch, đến nay cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”. Rõ ràng đây là cơ hội “vàng” để ngành Du lịch tiếp tục phục hồi, phát triển. Không bỏ lỡ thời cơ, một chương trình kích cầu du lịch lần 2 đã được khởi động, với tên gọi "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Theo tiêu chí “an toàn” và “hấp dẫn”, các điểm đến, công ty lữ hành, đơn vị vận tải… bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp nhiều sản phẩm đặc sắc, chương trình khuyến mãi đa dạng thì việc phòng, chống dịch phải được thực hiện nghiêm ngặt theo khuyến cáo của ngành Y tế và ngành Du lịch. Xét trong bối cảnh hiện nay, đây là những yêu cầu rất cần thiết nhằm thu hút du khách.
Để thực hiện hiệu quả, trước hết ngành Du lịch và các địa phương cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến để du khách tiếp cận được những thông tin về các chương trình kích cầu, khuyến mãi ở mỗi điểm đến. Điểm cần lưu ý trong công tác này là phải làm nổi bật được tính “an toàn” và tính “hấp dẫn” với độ tin cậy cao để du khách tin tưởng lựa chọn. Theo đó, bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiếp cận khách hàng qua trang web, mạng xã hội…
Cùng với đó, các công ty lữ hành phải tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng đòi hỏi trong bối cảnh hiện nay. Với yêu cầu phát triển trong trạng thái “bình thường mới”, người làm du lịch không chỉ thường xuyên trau dồi tri thức trong lĩnh vực hoạt động của mình, mà còn phải hiểu biết cách phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn du khách khi cần thiết. Hơn nữa, việc tạo dựng hình ảnh người làm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện phải luôn trong tâm thế ngày càng hoàn thiện hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để các điểm du lịch níu chân du khách lâu hơn, để du khách mong muốn trở lại.
Ngoài ra, để có sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của mỗi điểm đến, từng địa phương và đơn vị lữ hành, thì ngành Du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng “cầu nối” để liên kết, xây dựng các tour, tuyến, sản phẩm có tính liên vùng, liên địa phương. Việc này sẽ giúp các đơn vị, địa phương chia sẻ kinh nghiệm hay, khắc phục những hạn chế; có thể mở rộng được nhiều phân khúc khách du lịch; cùng tạo dựng môi trường du lịch có tính nhất quán, thiện cảm với du khách…
Xây dựng môi trường du lịch an toàn tuy là tiêu chí được đặt ra cụ thể trong đợt kích cầu lần 2, nhưng thực chất là sự tiếp nối từ đợt kích cầu lần 1. Do đó, việc bảo đảm an toàn xuyên suốt này cùng với sự hấp dẫn, chuyên nghiệp phải là nỗ lực không có điểm dừng của ngành Du lịch trong mọi thời điểm để hướng đến sự phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.