(HNM) - Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra mưa lớn trên diện rộng vào cuối tháng 7-2018, khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại khu vực ngoại thành Hà Nội thiệt hại nặng nề. Sau khi nước rút, nhiều địa phương nhanh chóng bắt tay vào khôi phục cây trồng vụ mùa để bù đắp phần nào thiệt hại.
Nông dân thu hoạch rau sau úng ngập ở quận Hoàng Mai. |
Tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), hậu quả của cơn bão số 3 đã khiến cho hơn 130ha lúa và hoa màu mất trắng, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nông dân. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Đào Cam Hồng cho biết, cùng với việc động viên nông dân thăm đồng, dọn ruộng, khơi rãnh thoát nước, làm đất để tiếp tục trồng cây vụ đông sớm, xã đề nghị UBND thị xã Sơn Tây và các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ các loại giống: Đậu tương, ngô nếp, ngô lai, khoai tây, khoai lang để nhân dân gieo trồng trên diện tích 115ha.
Cũng trong tình trạng mất trắng gần 400ha lúa và rau màu trên địa bàn toàn huyện, ngay sau khi nước lũ rút, UBND huyện Ba Vì chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông cử cán bộ trực tiếp đến các xã, thị trấn: Tây Đằng, Vật Lại, Tiên Phong, Sơn Đà, Minh Quang… kiểm tra thực tế và tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, phục hồi cây trồng, vật nuôi. Tính đến nay, toàn huyện đã phục hồi được hơn 500ha lúa.
Ở những địa phương bị ngập nhẹ cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phục hồi cây trồng và chuẩn bị giống cho vụ sau. Ông Hoàng Xuân Nội, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) cho biết: Toàn xã cấy 354ha lúa vụ mùa. Úng ngập đã gây thiệt hại 27ha lúa, 187ha sen và 245,7ha thủy sản. Rất may, trước khi cơn bão số 3 ập đến, nông dân đã thu hoạch được hơn 60% diện tích sen, đa số gốc sen giữ lại được để làm giống cho năm sau. Đối với những vùng ngập dưới 30%, ngay sau khi nước lũ rút, Hợp tác xã phối hợp Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức bơm hút nước ra sông Thanh Hà, kịp thời cứu lúa.
Hoàn lưu cơn bão số 3 cũng khiến vùng sản xuất rau an toàn Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) bị ngập 74,4ha, nhưng sau một ngày nước đã thoát hết, nên rau chưa bị ảnh hưởng nhiều. Riêng vùng trồng cây ăn quả, khi thủy điện sông Đà mở cửa xả đáy, có 20ha cây ăn quả là cam Canh, nhãn, chuối… bị ngập 2 ngày, nên đang có hiện tượng rụng quả.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam khuyến cáo nông dân, ngay sau khi nước rút phải dọn sạch rác, khơi thông đường tiêu nước để tránh ứ đọng ngập rễ cây; bón một số loại phân hữu cơ để kích thích bộ rễ phát triển, giảm tình trạng rụng quả. Ngoài ra, để đối phó với hoàn lưu cơn bão số 4, Hợp tác xã chỉ đạo xã viên chủ động thăm đồng, thu hoạch sớm lứa rau đến kỳ để giảm thiểu thiệt hại.
Những khu vực bị ngập trắng từ 10 ngày tới hơn 20 ngày trên địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai… không có khả năng phục hồi cây trồng vụ mùa, các địa phương chủ yếu bơm rút nước, vệ sinh đồng ruộng, xới đất phá váng, tạo độ thoáng khí, chuẩn bị gieo trồng những loại rau ngắn ngày và cây vụ đông.
Nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ngập úng, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân vét sâu rãnh luống, đào sâu đầu luống cho thoát nước nhanh; không để cây bị ngập lâu ngày gây thối rễ, thối cây. Hiện nay, một số loại cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch như nhãn, các địa phương cần tập trung thu hoạch nhanh, gọn và cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh, đào mương thoát nước, tạo thông thoáng cho vườn cây đề phòng ngập úng, gãy đổ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.