Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực lành mạnh hóa thị trường

Ngũ Hiệp| 12/08/2016 06:18

(HNM) - Liên tục trong những tháng vừa qua, Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành các đợt thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc, phạt các đơn vị có hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, hàm lượng vàng không đạt theo công bố,...

Mua vàng không chỉ bằng “niềm tin”

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết quả kiểm tra gần đây cho thấy, trong số hơn 1.700 cơ sở kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, có tới 25% số cơ sở vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa, sử dụng cân không kiểm định, cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác, hàm lượng vàng không đạt theo công bố. Ông Nguyễn Nam Hải nói rõ hơn: “Một số cơ sở vẫn còn sử dụng phương tiện đo có phạm vi và cấp chính xác chưa phù hợp với các sản phẩm có khối lượng dưới 200g đang được kinh doanh tại cửa hàng. Đồng thời, việc lưu giữ hồ sơ chất lượng, hồ sơ tự kiểm tra phương tiện đo (cân) vẫn chưa được thực hiện đầy đủ”.

Hiện nay còn một số cơ sở kinh doanh vàng bạc chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đo lường và chất lượng.



Trong năm 2015 và các tháng đầu năm 2016, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) đã chủ trì 3 đợt kiểm tra việc kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ tại 9 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương. Tại Hà Nội, riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 24 cơ sở với 238 mẫu, trong đó có 8 mẫu vi phạm về hàm lượng vàng và 90 mẫu vi phạm về nhãn hàng hóa; tổng số tiền xử lý vi phạm là gần 1 tỷ đồng.

Một trong những kết quả đáng chú ý của đợt ra quân quyết liệt gần đây thuộc về tỉnh Đồng Nai. Trong tháng 5-2016, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh đã tiến hành kiểm tra 35 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn. Kết quả: 35/35 doanh nghiệp vi phạm quy định về hàm lượng vàng. Mức độ vi phạm khá nghiêm trọng: Nhiều sản phẩm vàng 23K, tương đương hàm lượng vàng 98% theo công bố, nhưng theo kết quả kiểm tra thì chỉ đạt hàm lượng 93,5%, thậm chí chỉ đạt 65,57%. Có sản phẩm vàng 18K, tương đương hàm lượng vàng 75% theo công bố, nhưng kết quả kiểm tra chỉ đạt hàm lượng 73%, có sản phẩm chỉ đạt 65%; vàng 16K tương đương hàm lượng vàng 68% theo công bố, kết quả kiểm tra chỉ đạt 65%, có sản phẩm chỉ đạt 62,5%...

Thực trạng nói trên, theo ông Nguyễn Nam Hải, một phần do lâu nay việc mua bán vàng diễn ra theo cách thức truyền thống “thuận mua vừa bán”. Mặt hàng vàng trang sức mỹ nghệ lại là loại hàng hóa có giá trị cao, có đặc điểm rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chủng loại. Người tiêu dùng chỉ có cách duy nhất là tin vào những thông tin do người bán cung cấp bởi khó nhận biết bằng mắt thường. Một số cơ sở kinh doanh vàng thường không công bố rõ ràng về tuổi vàng để dễ trục lợi, do đó, người tiêu dùng dễ mua phải vàng kém chất lượng.

Rõ ràng mua bán, bình đẳng cạnh tranh

Trước tình hình vi phạm có diễn biến phức tạp, Bộ KH&CN đã quyết định triển khai đợt thanh tra chuyên đề trên phạm vi toàn quốc trong năm 2016 với nội dung “Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ”. Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vàng. Cuộc thanh tra diễn ra trên toàn quốc, tập trung trong tháng 7, 8 và 9-2016. Lãnh đạo Bộ KH&CN cam kết sẽ tổng kết đánh giá và công bố kết quả cuộc thanh tra này vào cuối quý IV. Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã ký văn bản gửi các tỉnh, thành phố, đề nghị phối hợp cùng triển khai kế hoạch thanh tra này.

Bộ KH&CN cho biết, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm kiểm soát và thực hiện các quy định về chất lượng và đo lường đối với mặt hàng này, không phân biệt cửa hàng nhỏ lẻ hay ở vùng sâu, vùng xa. Hoạt động này góp phần bảo đảm thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ rõ tính công khai, minh bạch hơn, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; giảm và hạn chế các hành vi gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với vàng trang sức và mỹ nghệ. Ông Nguyễn Nam Hải khẳng định, quá trình xem xét lấy mẫu sản phẩm kiểm tra được thực hiện đúng vào đối tượng có tính đại diện, việc thử nghiệm được tiến hành cẩn trọng để bảo đảm cho kết quả chính xác, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Đặc biệt, người tiêu dùng có quyền được mua vàng trang sức đúng hàm lượng, khối lượng như nhà sản xuất đã công bố. Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Mục tiêu đặt ra không phải chỉ là xử phạt người sản xuất, kinh doanh vàng bạc có thái độ gian dối, mà còn để thiết lập môi trường kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ lành mạnh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng.

Chủ trương thanh, kiểm tra nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ chân chính. Ông Phạm Văn Tám, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kim hoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc kiểm tra còn nhằm hướng dẫn, nhắc nhở, định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Hoạt động này nhận được sự hoan nghênh của nhiều doanh nghiệp, người dân, góp phần ngăn chặn hành vi gian lận trong sản xuất và kinh doanh vàng, làm lành mạnh hóa thị trường. Và cái được lớn nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực lành mạnh hóa thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.