Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 2

Nhóm phóng viên| 18/07/2017 06:45

(HNM) - Do ảnh hưởng của bão số 2, khắp các tỉnh Bắc Bộ vào đến Thừa Thiên - Huế xảy ra mưa to, lũ lớn kèm theo gió giật mạnh.


Khắc phục hậu quả sau mưa bão tại TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng


Thiệt hại nặng

Nghệ An là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng do mưa bão. Theo thống kê ban đầu, đã có 1 người chết; 2.751 ngôi nhà, ki ốt bị tốc mái; hơn 2.300ha rau màu bị ngập; 350ha cây keo và 2.000 cây xanh đô thị bị đổ. Đặc biệt, bão số 2 đã làm chìm tàu vận tải VTB 26, trên tàu có 13 thuyền viên (đến 20h ngày 17-7, lực lượng chức năng đã cứu được 7 thuyền viên và trục vớt được 2 thi thể), 4.700 tấn than, neo đậu tại khu vực biển Hòn Ngư, thị xã Cửa Lò…


Tại tỉnh Thanh Hóa, 96 ngôi nhà, trường học bị tốc mái; 1.570ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; 1.023 cây lâm nghiệp và cây xanh đô thị bị đổ gãy; 33 cột điện bị đổ... Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, 1 ngôi nhà của người dân và 45 ki ốt bị sập đổ; 31 ngôi nhà của nhân dân và 5 trường học, trụ sở UBND xã bị tốc mái; 8 cột điện bị đổ; hơn 900ha lúa, hoa màu bị ngập úng; 4 tàu bị chìm trong khu vực tránh trú bão…

Nhiều tuyến quốc lộ bị úng ngập cục bộ, sụt ta luy, gây ùn tắc giao thông và làm hư hỏng mặt đường. Đáng chú ý, trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngập đoạn Km412+400 - Km412+450 với chiều sâu nước ngập từ 0,3 - 0,5m, gây tắc giao thông từ 8h đến 9h10 ngày 17-7; sập cổng chào của huyện Hưng Nguyên tại Km23+650 tuyến tránh TP Vinh; trên quốc lộ 48E (đoạn qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu và huyện Nghĩa Đàn - tỉnh Nghệ An) cơ quan chức năng phải đóng đường do nước ngập... Tổng kinh phí ước tính để khắc phục thiệt hại bước đầu trên hệ thống quốc lộ khoảng 30 tỷ đồng. Theo tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mưa lũ đã khiến các công trình giao thông tại một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại ước tính đến 55 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, mưa lớn xảy ra trên diện rộng gây ngập lụt nhiều khu dân cư vùng ngoại thành và 1.369ha lúa mùa, hoa màu. Trong đó, tại huyện Phúc Thọ là 55ha, Ứng Hòa 82ha, Thanh Oai 225ha, Quốc Oai 96ha, Hoài Đức 627ha, Chương Mỹ 250ha... Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Trên địa bàn huyện có 116ha lúa mùa mới cấy bị ngập, trong đó xã Thượng Mỗ, Phương Đình, Hồng Hà bị ngập nhiều diện tích. Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, mưa lớn gây ngập úng hơn 350ha, trong đó diện tích lúa mùa hơn 290ha, rau màu 60ha… Ngoài ra, mưa lớn đã gây sự cố sạt lở bãi sông Hồng, đoạn thuộc xã Đông Ngàn, Đại Mạch (huyện Đông Anh)…

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến 19h ngày 17-7, bão số 2 đã làm 2 người chết, 4 người mất tích; chìm 9 tàu thuyền… Để sớm ổn định cuộc sống người dân, các cấp, các ngành đã thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại bởi thiên tai… Tại Hà Nội, 4 đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố tiếp tục kiểm tra công tác vận hành trạm bơm chống úng ngập… Các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã vận hành 93 trạm, với 390 máy bơm, tổng lưu lượng bơm gần 1.190.000m3/h để tiêu úng…

Đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngập sâu trong nước. Ảnh: Tiến Tuấn

Bão qua nhưng không chủ quan


Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, với lượng mưa trung bình 50-100mm. Khả năng cao mưa sẽ còn tiếp diễn đến ngày 20-7. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Thượng lưu sông Hồng xuất hiện đợt lũ với biên độ 4-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông Bắc Bộ được dự báo có khả năng lên báo động 2.


Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng lưu ý: Các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, huy động phương tiện tiêu nước để cứu lúa, hoa màu. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều hồ đập, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu, có nguy cơ mất an toàn...

Chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão số 2 diễn ra ngày 17-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ kịp thời những gia đình có người gặp nạn, sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường không để dịch bệnh xảy ra... Tiếp tục sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy cơ về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nhất là những khu vực hồ đập đang xuống cấp…

Cũng trong ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1025/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói. Đồng thời, tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm an toàn. Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chống úng ngập…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.