Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực giữ ổn định thị trường lao động

Minh Vũ| 20/08/2021 06:16

(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động, việc làm ở nước ta đang có nhiều biến động, số lao động bị ảnh hưởng về việc làm và mất, giảm thu nhập ngày càng tăng. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nỗ lực giữ ổn định thị trường lao động, chủ động cung ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh được dự báo sẽ dần phục hồi.

Chi trả tiền hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).

Những mối lo hiện hữu

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc... “Tình trạng này kéo dài, buộc người lao động phải tìm công việc khác để làm, hoặc rời các khu công nghiệp về quê, khiến doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong khi đó, một số địa phương lại dôi dư lao động, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy tạm thời chuỗi cung ứng nguồn nhân lực”, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình bày tỏ lo ngại.

Đáng chú ý là, khi việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp (khu vực chính thức) giảm, người lao động phải tìm kiếm việc làm ở khu vực phi chính thức (không có hợp đồng lao động), dẫn đến số người làm công việc tự do tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 20 triệu lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, chiếm hơn 57% số người tham gia lao động xã hội, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, người lao động làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức dễ bị tổn thương. Bởi, đa số họ làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn so với khu vực kinh tế chính thức, lại không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản...).

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tư vấn trực tuyến cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Để trợ giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, bảo đảm đời sống cho lao động tạm trú, lao động tự do, giúp họ yên tâm “ở đâu, ở yên đó”.

Triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đến nay đã có gần 14 triệu lao động cả nước tiếp cận, thụ hưởng chính sách, nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Tại Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương đã chung tay trợ giúp khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, tiền chi tiêu... cho hàng vạn lao động. Anh Lê Hoàng Anh, quê ở tỉnh Thanh Hóa, hiện là nhân viên Công ty TNHH Esoft Vietnam (trụ sở tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Được sự động viên, chia sẻ kịp thời, tôi hoàn toàn yên tâm ở lại Hà Nội và tiếp tục làm công việc cũ khi dịch được kiểm soát”.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn quan tâm bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động. Cụ thể, để người lao động rộng mở cơ hội việc làm, gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước đang đẩy mạnh tuyển sinh và có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm tham gia học nghề. “Chúng tôi phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề sát nhu cầu của xã hội cho lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay.

Song song đó, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được 63/63 tỉnh, thành phố chú trọng. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành cho biết: “Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin của hơn 200 doanh nghiệp, tuyển khoảng 3.000 vị trí việc làm. Qua đó cho thấy, nếu tích cực tìm kiếm việc làm, người lao động vẫn có thể nắm bắt được những cơ hội tốt”.

Còn đại diện Công ty cổ phần Yamaguchi Việt Nam (trụ sở tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) Đỗ Xuân Minh thông tin: “Công ty chúng tôi đang cần tuyển 100 lao động phổ thông, ưu tiên những người bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19”.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn tạo điều kiện để người lao động, doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nhằm duy trì việc làm đang có, đồng thời tạo ra các vị trí việc làm mới. Thông qua nhiều chính sách đang được triển khai, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tin tưởng, mức độ tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động, việc làm sẽ giảm dần, cả nước có thể đạt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho hơn 1 triệu người lao động trong năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giữ ổn định thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.