(HNM) - Thời gian qua, các ban ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Qua đó góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, giảm thiểu tai nạn giao thông do uống rượu, bia, để người dân đón Tết Canh Tý yên vui.
Chỉ một tuần trước khi Nghị định 100/2019/ NĐ-CP có hiệu lực, anh Mai Xuân Phúc, 36 tuổi, ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đã ra đi vĩnh viễn ngày 24-12-2019, sau khi tự gây tai nạn, đâm vào rào chắn một công trình trên đường Bến Vân Đồn, quận 4. Trước đó, anh Phúc tham gia chầu nhậu suốt tối với những người bạn thân từ Hà Nội vào chơi.
Đây chỉ là một trong gần 200 trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông sau khi sử dụng rượu, bia tại thành phố trong năm 2019. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có tới 80% - 90% nam giới lái xe gây tai nạn sau khi uống rượu, bia. Trong số này, 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy.
Các con số thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2019, toàn thành phố xảy ra hơn 3.400 vụ tai nạn giao thông, làm 641 người chết, hơn 2.400 người bị thương, giảm 5,5% về số vụ, giảm 10,35% số người chết, không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nào. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, thành phố giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. “Với chủ đề “Đã uống rượu, bia, không lái xe”, thành phố đặt mục tiêu trong năm 2020, giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí từ 5% đến 10% so với năm 2019”, ông Nguyễn Ngọc Tường nói.
Ngay trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các ban ngành chức năng và các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các biện pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu này. Lực lượng Cảnh sát giao thông tiên phong trong việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế ngay tại bến xe, bến cảng, các tuyến đường đông phương tiện. Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Bên cạnh xử phạt, Cảnh sát giao thông còn tuyên truyền để người điều khiển phương tiện hiểu rõ về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Vấn đề cốt yếu là nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Tính từ ngày 1 đến ngày 13-1-2020, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt 403 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong đó, Cảnh sát giao thông quận 9 xử phạt tới 35 triệu đồng một trường hợp người lái ô tô uống rượu. Thậm chí, một người mang quốc tịch Pháp điều khiển xe máy sau khi uống bia cũng bị Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng. Việc xử phạt nghiêm đã thay đổi đáng kể hành vi của người tham gia giao thông. Chị Phạm Thị Thịnh, 42 tuổi ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh cho biết, trước đây, chiều nào chồng chị và các bạn cũng tụ tập uống bia. Nay có quy định phạt nặng người có nồng độ cồn tham gia giao thông nên các cuộc nhậu không còn diễn ra thường xuyên nữa. “Tôi ủng hộ việc phạt nặng người uống rượu, bia mà vẫn lái xe”, chị Thịnh bày tỏ sự đồng tình.
Đánh giá cao những nỗ lực của các ban, ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh trong việc kéo giảm tai nạn giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng, năm 2020 là năm đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Vì vậy, cần thực hiện tốt chủ đề năm an toàn giao thông 2020 “Đã uống rượu, bia, không lái xe”. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố ký cam kết đã sử dụng rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.