Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực giảm chi thường xuyên

Đức Anh| 31/08/2018 07:13

(HNM) - Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 15-7-2018 đạt 681,6 nghìn tỷ đồng, trong khi đó tổng chi ngân sách nhà nước là 717,5 nghìn tỷ đồng, đáng chú ý là khoản chi thường xuyên lên tới 494,2 nghìn tỷ đồng...


Việc các khoản chi thường xuyên, gồm chi cho lương, chi phục vụ hoạt động của bộ máy nhà nước đang tăng mạnh trong cơ cấu chi ngân sách và lớn hơn so với tổng thu đã khiến các chuyên gia kinh tế không khỏi băn khoăn.


Ảnh minh họa: Internet


Tiến sĩ Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nguyên tắc cơ bản trong điều hành ngân sách là thu thường xuyên ngân sách nhà nước nói chung phải lớn hơn chi thường xuyên, để dành một phần cho chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thu thường xuyên của nước ta chỉ đủ cho chi thường xuyên, thậm chí, nhiều năm không đủ.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu và phát triển Việt Nam cũng cho rằng, việc chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển lại đang có xu hướng bị thu hẹp - đó là vấn đề cần lưu tâm. Đã đến lúc, nền kinh tế phải thực hiện các chính sách trọng cung, gồm cắt giảm chi tiêu công, giảm các loại thuế phí, giảm tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước trong cơ cấu nền kinh tế… Muốn giảm chi thường xuyên xuống, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế. Để đạt được mục tiêu này, cần có quyết tâm để không xảy ra tình trạng "cắt" chỗ này lại "phình" chỗ khác.

Nhằm nâng cao hiệu quả chi ngân sách trong bối cảnh nguồn thu gặp nhiều khó khăn, tại hội nghị triển khai công tác tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2018 diễn ra mới đây ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu, bên cạnh việc phải chi đúng nguyên tắc, cần hướng tới giảm chi một số nội dung như: Chi phục vụ khánh tiết, mua sắm ô tô, đi công tác nước ngoài… Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu để nâng cao hiệu quả trong công tác chi ngân sách. Đặc biệt, cần giao dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên cơ sở biên chế được giao, từ đó mới có tác dụng trong việc kiên quyết giảm biên chế, giảm bộ máy ở các địa phương.

Tại TP Hà Nội, việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách, trong đó có giảm chi thường xuyên luôn được UBND thành phố đặc biệt coi trọng. Tại Chỉ thị 08/CT-UBND (ngày 9-7-2018) về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, thành phố đã yêu cầu các địa phương xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2019 dựa trên các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cụ thể và tuân thủ nghiêm Luật Ngân sách nhà nước. Các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện triệt để việc tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi, ưu tiên theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng thực hiện. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương phân nhóm các nhiệm vụ chi để chủ động điều hành, cắt giảm khi cần thiết; chỉ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và cân đối được ngân sách. Trong xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã cần xây dựng dự toán theo các lĩnh vực cụ thể, đúng chính sách, chế độ, theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước, bảo đảm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành...

Cùng với những cố gắng, nỗ lực giảm chi thường xuyên tại các địa phương, đơn vị, sẽ góp phần giảm bớt các khoản chi ngân sách, đẩy mạnh tiết kiệm, chống lãng phí, từ đó có thêm nguồn vốn để phục vụ đầu tư phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giảm chi thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.