Chi thường xuyên cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ còn thấp, khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu với hệ thống quốc lộ…
Sáng 23-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Còn nhiều bất cập
Thay mặt Đoàn giám sát trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.
Từ năm 2009 đến hết năm 2023, Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 68.798.988 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 42.170 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 5.300.856 trường hợp, tạm giữ 9.086.184 phương tiện. Thanh tra giao thông các cấp đã thực hiện 1.058.206 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 1.524.752 vụ vi phạm với số tiền trên 3.426 tỷ đồng; tạm giữ 7.505 ô tô.
Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Từ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát nhận thấy, hệ thống pháp luật về giao thông đường bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Sau 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhiều quy định của Luật không còn phù hợp, phát sinh bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này…
Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân; công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là đánh giá mức độ an toàn giao thông đối với hệ thống giao thông đường bộ còn yếu; tại một số nơi còn có sự mất cân đối giữa các khu vực hoặc chạy theo tiêu chí về số lượng, chưa đánh giá hết thực tiễn, nên khi đưa vào khai thác bộc lộ ngay bất cập, phải xử lý, gây thiệt hại và tốn kém.
Đáng lưu ý, nguồn vốn chi thường xuyên được bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ còn thấp, khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu với hệ thống quốc lộ nói chung…
Chú trọng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ cần bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ theo quy hoạch, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải hành khách công cộng; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới để xây dựng, kết nối và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông đường bộ; xây dựng hệ thống báo cáo và phân tích tình hình trật tự an toàn giao thông cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là chuyên đề giám sát đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi đồng thời sẽ tổng kết pháp luật về giao thông và trật tự an toàn giao thông.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua giám sát đã kiểm nghiệm lại những đánh giá trong quá trình tổng kết xây dựng luật, trong đó phải xem điểm nào chính xác, điểm nào cần làm rõ thêm. "Chỉ khi có đánh giá đúng mới xây dựng luật đúng được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tiêu chí về kết cấu hạ tầng giao thông, phân kỳ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân kỳ cũng phải phải bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về vận hành, khai thác và bảo đảm an toàn.
Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng cao tốc La Sơn - Túy Loan đã hoàn thành xây dựng quy mô 2 làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất kịp thời, Quốc hội cũng đã dành sự quan tâm lớn cho những vấn đề này.
Bên cạnh đó, các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, các trạm dừng nghỉ trên cao tốc phải được đầu tư đồng bộ. Có trạm dừng nghỉ hợp lý sẽ giúp lái xe vừa hồi phục về thể chất, vừa hồi phục về tinh thần, là vấn đề thực tiễn cần được quan tâm. Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực đầu tư kết nối giao thông đa phương tiện cũng được xem xét, nếu đường thủy làm tốt thì sẽ giảm tải cho đường bộ, giảm tải rủi ro về an toàn giao thông, hiệu quả của logistics sẽ tốt hơn nữa.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, đối với các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư đến năm 2025 sẽ hoàn thành đầu tư đồng bộ các hạng mục, công trình phụ trợ để bảo đảm các tuyến cao tốc hoạt động hiệu quả, an toàn.
Với việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo rà soát để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và phương án tổ chức giao thông, từ đó nâng cao an toàn khai thác trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.