(HNMO) - Một nhóm các chuyên gia y tế đã tập hợp hôm nay (23-4) tại Hà Nội để thảo luận về tình hình bệnh không lây nhiễm (BKLN) tại Việt Nam.
Tại buổi hội thảo hôm nay. |
Buổi thảo luận này có sự góp mặt của các đại diện cấp cao đến từ chính phủ, các nhà quản lý, lãnh đạo bệnh viện công và tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và học viện. Tiến sỹ Hà Anh Đức và Vương Tuấn Anh, hai nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Dân Số, Sức Khỏe và Phát Triển tham gia điều hành hội nghị.
Cuộc thảo luận bàn tròn về các BKLN hôm nay đã tạo một diễn đàn cho các bên liên quan, nhằm tìm ra hướng đi giúp hệ thống y tế Việt Nam có thể đối mặt với tỉ lệ gia tăng của các BKLN. Mạng lưới các chuyên gia ASEAN về BKLN được hỗ trợ bởi Philips đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy mối liên kết giữa các bên liên quan trong nỗ lực chung của toàn xã hội nhằm ngăn chặn BKLN trong khu vực nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
“Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức về gánh nặng trong việc quản lý BKLN, điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi về dịch tễ học chưa từng có và với việc các nhà lãnh đạo có tiếng nói ngồi cùng với các chuyên gia trong buổi công bố sách trắng hôm nay tại Hà Nội, chúng tôi hy vọng sẽ thảo luận và tìm ra các điểm tương đồng có thể áp dụng tại Việt Nam. Điều này sẽ mở đường cho những nỗ lực tiếp theo trong việc quản lý BKLN bằng cách cùng hợp tác và học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên ASEAN”, Tiến sỹ Hà Anh Đức, một trong những thành viên sáng lập mạng lưới ASEAN NCD cho biết.
Giải quyết thách thức về các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
BKLN chiếm khoảng 60% các ca tử vong trên thế giới, với 80% trong số này tập trung tại các nước thu nhập thấp và trung bình, cho thấy đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đói nghèo và cản trở sự phát triển.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc và tử vong do BKLN đang tăng cao trong vòng hai thập kỷ qua và trở thành gánh nặng bệnh tật cho toàn xã hội. Tỉ lệ tử vong do BKLN gấp 4 lần bệnh truyền nhiễm, chiếm đến 67,34% các ca tử vong. Các bệnh liên quan tới tim mạch hiện nay là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, gấp ba lần so với bệnh truyền nhiễm và bệnh do ký sinh trùng gây ra, chiếm gần 1/5 gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nguy cơ dẫn tới BKLN có thể được hạn chế với cam kết và nỗ lực của các bên liên quan trong việc thực hiện những thay đổi quan trọng.
“Khu vực của chúng ta đang dần nhận thấy tác động của các BKLN và thách thức mà chúng mang lại. Mạng lưới các chuyên gia ASEAN về BKLN đang có những bước tiến quan trọng đầu tiên để giúp các nước trong khu vực có thể tìm ra các giải pháp hiệu quả và lâu dài”, Sanjay Bapna, Tổng giám đốc Ngành hàng Chăm sóc sức khỏe khu vực Đông Nam Á của Philips Healthcare APAC, cho biết.
“Tại Philips, chúng tôi mong muốn nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và thúc đẩy một cộng đồng khỏe mạnh hơn đồng tại Việt Nam và các nước ASEAN. Chúng tôi mong muốn tất cả các bên liên quan có thể đưa ra kinh nghiệm, tiếng nói, để phát triển thành các chương trình hành động, khuyến nghị chính sách để giảm gánh nặng mà các căn bệnh này mang lại. Một số ý tưởng và giải pháp được chia sẻ tại Hà Nội hôm nay có thể được phát triển thành các chính sách thiết thực và sáng kiến để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật tại các hệ thống y tế trung ương và cơ sở.”
Mạng lưới các chuyên gia ASEAN về bệnh không lây được thành lập năm 2012, bắt nguồn từ Hội đàm Y tế ASEAN do Philips Healthcare tổ chức tại 7 nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hội đàm gồm một loạt các hội nghị bàn tròn, tập hợp các nhà lãnh đạo và những chuyên gia y tế có tầm ảnh hưởng cùng thảo luận về thách thức mà từng nước đang gặp phải trong việc quản lý BKLN.
Mạng lưới này cũng tập trung vào việc chia sẻ các mô hình thành công, tăng cường hợp tác và tìm các giải pháp đồng bộ về BKLN để đạt hiệu quả ở cấp cơ sở tại mỗi nước và trong khu vực. Tất cả các nghiên cứu và kết quả các phiên thảo luận chính đều được phát triển thành sách trắng về Những sáng kiến quản lý BKLN đã được trình bày tại cuộc thảo luận bàn tròn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.