Giáo dục

Mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh không lây nhiễm tăng

Thống Nhất 21/12/2023 - 16:05

Qua ba năm triển khai dự án về giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho học sinh phổ thông, mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh không lây nhiễm tăng lên đáng kể.

Ngày 21-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức phi lợi nhuận PATH tổ chức tổng kết dự án “Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: Cùng thanh, thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm”.

Đây là chương trình giáo dục sức khỏe học đường đầu tiên có sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm hướng đến giáo dục sớm và dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

toan-canh.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Qua 3 năm triển khai dự án, đã có 15 trường phổ thông với hơn 24.000 học sinh và 1.000 giáo viên tham gia. Ngoài ra, còn có hàng trăm nghìn học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên các trường học được hưởng lợi từ dự án.

Đại diện Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, 3 năm qua, dự án đã đem lại hiệu quả cao, mang đến cho hàng chục nghìn giáo viên, học sinh có thêm nhiều kiến thức, nhận thức về sức khỏe. Nhiều thói quen lành mạnh của học sinh được hình thành, phát triển và vận dụng tốt vào cuộc sống thực tế.

Thông qua dự án, học sinh được giáo dục về hành vi, lối sống lành mạnh, thiết lập những thói quen, lối sống lành mạnh và phù hợp với từng cá nhân, giúp các em có một tương lai tươi sáng, khỏe mạnh.

toan-canh-1.jpg
Học sinh với các hình ảnh tuyên truyền về phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Theo kết quả khảo sát đầu kỳ của dự án, có tới 85% thanh, thiếu niên còn thiếu kiến thức về phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Kết quả khảo sát cuối kỳ của dự án cho thấy, mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh không lây nhiễm tăng lên đáng kể.

Tỷ lệ học sinh có đầy đủ kiến thức về bệnh không lây nhiễm, hành vi nguy cơ và cách dự phòng bệnh không lây nhiễm đạt khoảng 90%. Tỷ lệ thay đổi các hành vi nguy cơ của học sinh sau khi tham gia dự án là 25%. Học sinh cũng nhận thức rõ các nguy cơ chính dẫn đến bệnh không lây nhiễm, gồm: Chế độ ăn uống không lành mạnh; thiếu hoạt động thể lực; sử dụng thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, để tích cực duy trì, mở rộng hiệu quả triển khai hoạt động dự án, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường và gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh không lây nhiễm tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.