Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực cao nhất để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tiến Thành| 12/06/2020 17:51

(HNMO) - Chiều 12-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; đồng thời là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự kiến, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu hơn 137.664 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương tối thiểu hơn 104.954 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2026-2030 dự kiến hơn 134.270 tỷ đồng.

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời để chương trình sớm đi vào đời sống có hiệu quả, các đại biểu đã đóng góp thêm nhiều ý kiến cho dự thảo.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An).

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Đoàn Nghệ An), đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) và một số đại biểu cho rằng, việc bố trí ngân sách trung ương cho chương trình đã khó thì việc bố trí ngân sách đối ứng để bảo đảm kinh phí thực hiện của địa phương lại càng khó hơn, bởi đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách này đều là những tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ xem xét tăng vốn đầu tư phát triển cho chương trình để giảm khó khăn về nguồn vốn của các địa phương.

Các đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu), Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, cần làm rõ mối tương quan của chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã và đang thực hiện, bởi có nhiều dự án thành phần trùng lặp với nhau.

“Do đó, cần có sự tổng kết, đánh giá để hạn chế, loại bỏ dự án không phù hợp hoặc điều chỉnh nội dung, mục tiêu dự án để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi”, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nói.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu).

Đại biểu Phương Thị Thanh (Đoàn  Bắc Kạn) cho rằng, hiện Chính phủ chưa ban hành bộ tiêu chí mới phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển nên chưa có số liệu chính xác về số xã, thôn thuộc phạm vi điều chỉnh của chương trình. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần xem xét tiêu chí phân định xã đặc biệt khó khăn để không có sự chênh lệch thực tế, chênh lệch giữa các vùng miền.

Các đại biểu cũng đề nghị xây dựng lộ trình theo giai đoạn, xác định việc làm cụ thể, chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, cấp thiết, mang tính dẫn dắt để làm trước thay vì thực hiện cả 10 dự án của chương trình.

Theo các đại biểu, chương trình cần tạo cơ chế quan tâm hơn đến các dân tộc ít người, công tác giáo dục, y tế, bình đẳng giới, xây dựng giao thông nông thôn, bảo tồn nét văn hóa dân tộc… tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời phòng, chống tiêu cực trong thực hiện chương trình.

Làm rõ một số nội dung được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến cho biết, Chính phủ sẽ cơ cấu lại nguồn vốn một cách hợp lý hơn, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, các địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ được ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất, nỗ lực cao nhất để đạt được mục tiêu của chương trình. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các địa phương và người dân quyết định mô hình đầu tư để bảo đảm hiệu quả cao nhất theo phương châm “dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”, Nhà nước chỉ hướng dẫn, cung cấp thông tin chứ không làm thay.

Kết luận vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đã có 25 đại biểu phát biểu những ý kiến xác đáng, tập trung vào những vấn đề cấp bách để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14. Quốc hội cũng nhất trí phải có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực cao nhất để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.