Kinh tế

Phát triển thị trường thương mại điện tử: Tăng cường tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hiền 06/10/2024 10:54

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều doanh nghiệp, người dân biết đến và tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

thi-truong-thuong-mai-dien-tu-phat-trien-manh-me-dat-ra-nhieu-thach-thuc-cho-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-cua-cac-nganh-chuc-nang..jpg
Thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các ngành, chức năng.

Còn nhiều lỗ hổng trong quy định bán hàng trực tiếp

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, phương thức bán hàng trực tiếp mang lại nhiều lợi ích, giúp người tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu khi lựa chọn mua sắm hàng hóa, dịch vụ như trong phương thức bán hàng đa cấp, người tiêu dùng được nhà phân phối không chỉ giới thiệu sản phẩm, mà còn cung cấp thông tin bổ ích khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm, các chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt lành mạnh… Từ đó, người tiêu dùng nắm rõ thông tin sản phẩm để đưa ra quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, bán hàng trực tiếp còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ. Bởi hàng hóa được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, nên người tiêu dùng không cần phải di chuyển đến tận nơi để tiếp cận nguồn hàng hóa, dịch vụ, từ đó tiết kiệm chi phí cũng như thời gian. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch Covid-19, việc cung cấp hàng hóa trực tiếp đã giúp người tiêu dùng vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân, vừa bảo đảm giãn cách theo quy định của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh các tác động tích cực, bán hàng trực tiếp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng như việc cung cấp thông tin không đầy đủ hay phát sinh những hành vi quấy rối người tiêu dùng, thông tin người tiêu dùng không được bảo mật an toàn, đặc biệt là vấn đề khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành cũng như tranh chấp phát sinh sẽ không được bảo đảm…

Về pháp luật quản lý loại hình kinh doanh này, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, bán hàng trực tiếp mới được đề cập tới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Tuy nhiên, pháp luật chưa phân loại chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong từng lĩnh vực cụ thể, từng nhóm hàng hóa, sản phẩm nhất định hay từng phương thức bán hàng khác nhau.

Tương tự, Nghị định số 40/2018/ NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mới dừng ở việc quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do vậy, giao dịch mua bán hàng hóa thông qua phương thức bán hàng trực tiếp hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng, tiềm ẩn nhiều yếu tố và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật

Trước thực trạng đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã kiến nghị, đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, kiến nghị đưa ra theo từng nhóm chủ thể riêng biệt, với doanh nghiệp, kiến nghị nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; xây dựng, áp dụng hoặc thực hiện các bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh công khai, minh bạch, trung thực và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người tiêu dùng của các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp; tham gia cácchương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng, tạo sự lan tỏa của chương trình này trong cộng đồng doanh nghiệp bán hàng trực tiếp.

Với cơ quan quản lý nhà nước, nhóm nghiên cứu kiến nghị nâng cao quyết tâm chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cấp ủy và chính quyền; nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cơ quan nhà nước có liên quan; nâng cao hoạt động của các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hiệp hội ngành hàng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về bán hàng trực tiếp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kiểm soát hành vi bán hàng trực tiếp để bảo đảm tính thống nhất, khả thi; hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng; khuyến khích, khích lệ các doanh nghiệp tham gia, hưởng ứng các cam kết doanh nghiệp vì người tiêu dùng, sản xuất - tiêu dùng xanh, bền vững; tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong cộng đồng kinh doanh và xã hội.

Với người tiêu dùng, nhóm nghiên cứu kiến nghị tăng cường hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiến thức về tiêu dùng an toàn, thông minh, bền vững; xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng; bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua các thiết chế tài phán; khuyến khích, thúc đẩy thực hiện các phong trào, phương châm, khẩu hiệu trong tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng giám sát doanh nghiệp, kịp thời phản hồi, có ý kiến góp ý tới các cơ quan chức năng đối với hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của các doanh nghiệp.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết, để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật bảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã và tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đa dạng, sáng tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp như thực hiện các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động của khối doanh nghiệp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường thương mại điện tử: Tăng cường tuân thủ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.