(HNM) - Với lượng phương tiện tăng đột biến, tình hình giao thông trên địa bàn Thủ đô dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 diễn biến phức tạp.
- Ông đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn TP Hà Nội dịp Tết Nguyên đán năm nay ra sao?
- Rõ ràng, áp lực giao thông trên địa bàn TP Hà Nội rất lớn và hết sức phức tạp. Đặc biệt tại 8 trục đường ra, vào thành phố là Ngọc Hồi - Pháp Vân; Quang Trung - Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở; Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh; đại lộ Thăng Long; Phạm Hùng - Phạm Văn Đồng; cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Âu Cơ; Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương; Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai và các tuyến phố 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.
Cảnh sát giao thông Hà Nội hướng dẫn giao thông trong những ngày giáp Tết. Ảnh: Mạnh Hà |
Chúng tôi xác định từ ngày 22 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết là thời gian cao điểm về giao thông với các hoạt động đón Tết, du Xuân và người dân trở lại thành phố.
- Với áp lực lớn như vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an thành phố xác định quyết tâm thực hiện nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông đang phải làm việc trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, lượng người, phương tiện tăng cao trong khi ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Với mục tiêu nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm cho người dân đi lại an toàn, dịp Tết này, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an thành phố luôn có mặt tại các “điểm nóng” về giao thông từ sáng sớm đến 24h hằng ngày. Chúng tôi xác định phải làm hết việc chứ không làm hết giờ. Trong thời gian cao điểm Tết, hầu hết lực lượng cảnh sát giao thông không có ngày nghỉ dù tính chất công việc vất vả và nhiều rủi ro.
- Vậy những giải pháp cụ thể Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã triển khai để bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố dịp này là gì?
- Hiện nay, 100% lực lượng của phòng đã chủ động phối hợp với hơn 200 học viên khóa D41 Học viện Cảnh sát (Bộ Công an), 100 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động và Cục Cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện, thị xã bố trí lực lượng duy trì, điều hành, hướng dẫn giao thông tại 365 nút giao thông trọng điểm. Ngoài ra, lực lượng của phòng cũng tiến hành tuần tra kiểm soát, phân luồng từ xa tại 15 tuyến quốc lộ ra, vào thành phố, trong đó có 5 tuyến cao tốc và 6 bến xe trọng điểm (Bến xe Nước Ngầm, Bến xe phía Nam, Bến xe Nam Thăng Long, Bến xe Lương Yên, Bến xe Yên Nghĩa, Bến xe Gia Lâm).
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã xây dựng kế hoạch, triển khai phương án phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tổ chức bảo vệ 31 điểm bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa và 63 điểm chợ hoa, chợ Tết trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, phòng huy động lực lượng bảo đảm an toàn giao thông, phục vụ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố và khách quốc tế.
Cảnh sát giao thông cũng triển khai lực lượng của 15 tổ công tác 141 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Trung đoàn Cảnh sát cơ động và công an các quận kiểm tra xử lý các đối tượng chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe và cổ vũ đua xe với mục tiêu bảo đảm sự bình yên của thành phố, an toàn cho người dân trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
- Thời gian trước Tết Nguyên đán đến đêm Giao thừa, các hoạt động du Xuân đầu năm và thời điểm quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết của người dân cũng sẽ tạo áp lực lớn đối với giao thông. Phòng đã có phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông như thế nào?
- Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết phục vụ người dân đi lại vào những ngày đầu năm và các lễ hội Xuân. Tại các địa điểm đền, chùa, cũng như các tuyến đường dẫn đến các địa điểm văn hóa ở các tỉnh, thành phố lân cận, đều có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực nhằm phân luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong thời gian cao điểm sau Tết, 100% cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại các điểm nút giao thông trọng điểm, quyết tâm không để ùn tắc kéo dài, kiềm chế tai nạn, đặc biệt là các trục đường dẫn vào thành phố.
- Với người dân tham gia giao thông, ông có khuyến cáo gì?
- Điều quan trọng nhất là người dân cần bảo đảm an toàn cho chính bản thân bằng việc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. Hạn chế tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân và tạo thói quen sử dụng các phương tiện công cộng. Đồng thời, người dân khi tham giao thông cần tự ý thức, trách nhiệm của bản thân, thể hiện văn hóa giao thông, nét văn minh, lịch sự của người Hà Nội. Khi đã uống rượu bia thì không lái xe.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong người dân khi tham gia giao thông cần tôn trọng và tuân thủ sự điều hành, hướng dẫn của các lực lượng thực thi nhiệm vụ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.