(HNMO) – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý đã thẳng thắn quy trách nhiệm cho Chính phủ trong việc để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, Uỷ ban TVQH được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến hết tháng 7/2013.
Trình bày trước Quốc hội sáng nay, ông Phan Trung Lý cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác này chưa nêu rõ được thực trạng của tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; chưa làm nổi bật được những bất cập, hạn chế trong công tác này từ khâu chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch triển khai, nguồn nhân lực, nguồn kinh phí thực hiện cũng như hiệu quả của việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết; chưa phân tích, đánh giá được mức độ tác động của việc thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013.
“Ủy ban Pháp luật nhận thấy, để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết như trên, trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong giai đoạn chỉnh lý và xem xét, thông qua, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”, ông Phan Trung Lý nói.
Ông Phan Trung Lý |
Đáng chú ý, về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, qua số liệu báo cáo của Chính phủ, trong 1.761 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được Bộ Tư pháp tiếp nhận đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền, nội dung, hiệu lực. Điều này thể hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản, cụ thể là khâu bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn trước khi văn bản được thông qua.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, báo cáo rõ hơn những bất cập, hạn chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; chỉ rõ những văn bản thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào chưa được triển khai thực hiện tốt, từ đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm và có kiến nghị giải pháp cụ thể; đánh giá mức độ tác động của các luật, pháp lệnh, nghị quyết được ban hành đi vào cuộc sống, tác động như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, môi trường, đời sống của nhân dân…; làm rõ và đánh giá cụ thể về tính khả thi trong việc dự trù và thực hiện nguồn kinh phí để thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành.
Theo thống kê, trong số 46 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết tháng 7/2013, có 37 luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 200 văn bản quy định chi tiết 280 nội dung được giao) và 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 42 văn bản quy định chi tiết). Tuy nhiên, đến 15/10/2013, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành. Trong số văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành có nhiều văn bản là “thông tư”. Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành 1 văn bản, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa ban hành 3 văn bản thuộc trách nhiệm phải ban hành để quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết.
Đáng chú ý, trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, có đến 31 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính, 12 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động mà đây lại là văn bản luật có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, đến các cơ quan, tổ chức và mọi người dân. Có những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, như Luật Cơ yếu có hiệu lực từ 1/1/2012 nhưng còn 3/6 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (50%), Luật Quảng cáo có hiệu lực ngày 1/1/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%), Luật Xuất bản có hiệu lực ngày 1/7/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%); Luật Điện lực có hiệu lực ngày 1/7/2013 nhưng cả 10/10 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.