Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nợ công của Việt Nam: Vẫn ở ngưỡng an toàn

Đức Anh| 12/04/2014 07:40

(HNM) - Nợ công của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, mặc dù chưa được Bộ Tài chính công bố chính thức, song những thông tin do tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới The Economist cập nhật thường xuyên đã tạm làm hài lòng những người quan tâm. Bởi theo thông tin của tạp chí này, nợ công của Việt Nam vẫn ở

Nợ công của Việt Nam chỉ chiếm 48% GDP, được coi là ngưỡng an toàn.Ảnh: Thanh Hải



Theo Tạp chí The Economist, con số nợ công của thế giới đang tăng theo từng giây, tại thời điểm 14h35 ngày 8-4 đã ở mức 53.064 tỷ USD. Riêng ở Việt Nam, nợ công dừng ở con số 80,4 tỷ USD. Nếu chia theo đầu người, với tổng số dân là 90,56 triệu người, mỗi người dân đang gánh trên vai khoản nợ 890,03 USD. Mặc dù con số nợ công này không nhỏ, tăng 11,2% so với năm 2013, nhưng nếu so sánh với tỷ lệ nợ công với GDP từ năm 2012 như công bố của Bộ Tài chính thì con số đã khả quan hơn. Tính một cách chi tiết, nợ công của Việt Nam trên GDP năm 2012 là 55,57%, trong khi hiện nay, con số này đã lùi xuống 48%. Rõ ràng là ngưỡng an toàn hơn về nợ công đã được thiết lập. Nếu so với các nước trong khu vực hay thế giới, nợ công của Việt Nam vẫn ở mức trung bình.

Nếu báo động đỏ về nợ công theo các tổ chức quốc tế là hơn 60% GDP, rõ ràng nợ công của nước ta vẫn ở xa ngưỡng này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về khả năng chi trả nợ công trong tương lai, vì trong nhiều năm trở lại đây, nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp cho nguồn thu. Nợ công của nước ta được hình thành từ ba khoản chính là: thâm hụt tài khóa, nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương và nợ của khối doanh nghiệp nhà nước mà Chính phủ có nguy cơ phải đứng ra trả nợ thay. Song, những con số về nợ công trên sổ sách, chủ yếu là các khoản nợ Chính phủ không đáng ngại bằng món nợ xấu của chính các doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc họp báo thường kỳ quý I do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, đại diện cơ quan này một lần nữa khẳng định, nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn. Nhưng, vì chưa đưa ra một kết quả cụ thể nên ngay cả khi đưa ra thông tin khẳng định, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại với con số nợ công của nước ta. Những lo lắng này không phải không có cơ sở khi hiện nay trên trang thông tin chính thức của Bộ Tài chính, nợ công mới chỉ được công khai kết quả tính đến cuối năm 2012, trong khi đã đi qua quý I của năm 2014. Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế công bố con số nợ công của năm 2013. Song theo đánh giá ban đầu của Bộ này, nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, nằm dưới 60%/GDP theo tiêu chí của thế giới.

Vậy, bội chi ngân sách có đe dọa đến nợ công? Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, trong quý I thu ngân sách nhà nước đạt 195.070 tỷ đồng, bằng 24,9% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2013; chi ngân sách nhà nước 232.160 tỷ đồng. Như vậy, mức bội chi là hơn 30.000 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, nhưng vẫn nằm trong dự toán được đặt ra từ đầu năm. Hơn nữa, nguồn thu ngân sách cũng tăng đáng kể so với năm 2013. Bên cạnh đó, để có thể bù cho nguồn chi, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành huy động trái phiếu chính phủ, với nguồn vốn huy động được là 83.014 tỷ đồng trái phiếu, đạt 35,8% kế hoạch cả năm.

Để hạn chế nợ công, theo các chuyên gia kinh tế, trước hết phải công khai, minh bạch con số nợ công của quốc gia để có một cái nhìn đầy đủ và chính xác. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh tín dụng Chính phủ với việc giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 477/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ năm 2014. Theo đó, kế hoạch vay của Chính phủ năm 2014 gồm: Vay trong nước 367.000 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.

Kế hoạch rút vốn vay nước ngoài là 4.520 triệu USD, tương đương 95.800 tỷ đồng; phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.

Kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2014 là 208.883 tỷ đồng, gồm trả nợ trong nước là 159.683 tỷ đồng, trong đó phần chi trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước là 92.323 tỷ đồng và vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn; trả nợ nước ngoài là 49.200 tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ của các chương trình, dự án được cấp phát từ ngân sách nhà nước là 26.427 tỷ đồng và chi trả nợ của các khoản vay về cho vay lại là 22.773 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ công của Việt Nam: Vẫn ở ngưỡng an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.