Nông thôn mới

Niềm vui mới ở Tản Hồng

Minh Phú 26/12/2023 08:44

Những ngày cuối năm 2023, nhân dân, cán bộ xã Tản Hồng vui mừng khi địa phương được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Ba Vì thời điểm hiện nay.

Đã tìm được việc làm ở xưởng trồng nấm trên địa bàn xã được 8 năm, bà Nguyễn Thị Thơm, thôn La Phẩm 2, xã Tản Hồng cho biết, công việc hằng ngày là vào bịch, thu hái, phơi khô mộc nhĩ. Mỗi ngày làm việc, bà Thơm được nhận lương 170 nghìn đồng. “Tôi đã gần 60 tuổi. Công việc rất phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe”, bà Thơm vui vẻ cho biết.

tan-hong-1.jpg
Nhiều phụ nữ của thôn La Phẩm 2, xã Tản Hồng có việc làm ổn định tại cơ sở trồng nấm.

Cùng với niềm vui của người lao động, anh Lê Ngọc Thịnh, chủ xưởng nấm cho biết: “Thời điểm này, gia đình tập trung cho vụ mộc nhĩ lớn nhất trong năm phục vụ Tết. Tôi dự kiến đưa ra thị trường 9-10 tấn mộc nhĩ, 2 tấn linh chi, chưa kể các loại nấm tươi. Từ năm 2022 đến nay, 3 sản phẩm nấm của chúng tôi được thành phố chứng nhận OCOP 3 sao. Tôi cũng đã đưa sản phẩm tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử...”.

Còn nhớ thời điểm năm 2008, khi mới hợp nhất về Thủ đô, xã Tản Hồng cũng như nhiều địa phương khác của huyện Ba Vì có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ; thu nhập của người dân còn rất hạn chế…

Từ năm 2010, Tản Hồng đã bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực lớn từ thành phố và huyện Ba Vì được bố trí hỗ trợ các địa phương, trong đó xã Tản Hồng có mục tiêu thay đổi diện mạo vùng đất ven sông Hồng. Năm 2015, xã Tản Hồng được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2022, địa phương tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

dscf8731.jpg
Những bức bích họa làm đẹp làng quê xã Tản Hồng.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Hoàng Minh Sơn cho biết, đến nay, sau 15 năm, 100% đường trục chính, liên thôn trên địa bàn xã đã được cứng hoá. 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có đèn chiếu sáng. Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia. 100% số thôn có nhà văn hoá. Đặc biệt, thu nhập bình quân liên tục tăng qua các năm, hiện đạt hơn 75 triệu đồng/người/năm.

Để có được kết quả trên, theo ông Hoàng Minh Sơn, xã nhận được sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội rất lớn. Tính riêng giai đoạn 2021 - 2023, ngân sách thành phố hỗ trợ xã gần 153 tỷ đồng để duy trì và nâng cao tiêu chí nông thôn mới.

Cùng với vốn đầu tư của nhà nước, nhân dân cũng đã xã hội hóa được nguồn kinh phí không nhỏ. “Từ năm 2021, 25 hộ gia đình trên địa bàn xã tự nguyện hiến 2.104m2 đất, trong đó có 9 gia đình, mỗi nhà hiến 168m2 đất và phá dỡ các công trình phụ, hàng rào để mở rộng tuyến đường từ 4m lên 8m phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Có người con xa quê biết tin địa phương làm đường đã về ủng hộ gần 3 tỷ đồng”, ông Sơn nói thêm.

dscf8730.jpg
Giao thông ở xã Tản Hồng được mở rộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Tản Hồng triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với tiêu chí bắt buộc, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Tản Hồng đã đạt 75,1 triệu đồng/người/năm, tăng 10% so với thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với tiêu chí về xây dựng mô hình thôn thông minh, xã chọn thôn Vân Sa 1 làm điểm.

Hiện nay, thôn Vân Sa 1 đã xây dựng được 13 ngõ tự quản, 100% số hộ dân đều được đánh số nhà. Các trục đường thôn, liên thôn, đường ngõ được cứng hóa, trồng cây xanh, cây bóng mát và trồng hoa. Cây xanh, sắc hoa đua nhau khoe sắc dọc đường. Niềm vui nơi miền quê trù phú, thanh bình hiện hữu trong ánh mắt lấp lánh của người dân nơi đây.

Để thực hiện mô hình thôn thông minh, thôn Vân Sa 1 đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khảo sát, hướng dẫn các hộ dân tham gia tìm hiểu chuyển đổi số; các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng và lập tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... Thôn cũng thành lập các nhóm Zalo để thuận tiện trao đổi, tuyên truyền giữa chính quyền và người dân. Các ngõ, xóm trong thôn đều đã lắp camera bảo đảm an ninh trật tự, hệ thống phòng cháy, chữa cháy...

Với tiêu chí tự chọn, xã chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đến nay, Tản Hồng có 3/3 trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 2 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện thể lực, kỹ năng, sức bền; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; cộng đồng học tập cấp xã xếp loại tốt.

Với những kết quả đạt được, Tản Hồng trở thành địa phương đầu tiên của huyện Ba Vì đủ điều kiện trình UBND thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành quả này càng nhân lên niềm vui cho cán bộ, chính quyền, nhân dân Tản Hồng khi xuân mới cận kề...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui mới ở Tản Hồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.