Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm tin thị trường quan trọng hơn tăng trưởng

Vân An| 31/10/2013 08:09

(HNMO) - Hôm nay, 31/10, Quốc hội dành trọn thời gian để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Ngoài thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, các đại biểu còn thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

Phiên thảo luận về các nội dung này do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển và kéo dài trong 2 ngày. Phiên thảo luận tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, giải pháp khắc phục; dự báo tình hình 2014-2015, xác định các chỉ tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu cho năm 2014; kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng…

Qua thảo luận, các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong năm qua cũng như trong 3 năm đầu của kế hoạch 5 năm, đặc biệt là việc duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giá cả, đổi mới công tác điều hành theo hướng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với các năm trước nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; nền kinh tế chững lại do bị cắt giảm một loạt các dự án đầu tư công; kinh tế phát triển chưa vững chắc; các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn…

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Yến – Phú Thọ đánh giá, năm qua, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ đầy đủ các nguyên nhân của hạn chế, trong đó cần tập trung vào phân tích về chủ trương, chính sách, kỷ luật, kỷ cương thực hiện.

Chung những nhận định này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn – Hòa Bình cho rằng, Chính phủ cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, trong đó phân cấp cho địa phương thẩm định trước khi phê duyệt nguồn vốn cho các dự án; tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu để hoàn thành các dự án lớn của đất nước; có những giải pháp mạnh hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

“Nguyên nhân trì trệ của nền kinh tế đất nước thời gian qua là do chúng ta quá thiên về ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì cách làm này thì sẽ dẫn tới bất ổn kinh tế trong trung hạn. Chính phủ nên thực hiện đồng thời các giải pháp để vừa ổn định, vừa phát triển”, đại biểu Sơn nói.

Thống nhất rằng việc mở rộng tài khóa là biện pháp duy nhất để thúc đẩy tăng trưởng nhưng đại biểu Hà Sỹ Đồng – Quảng Trị nhấn mạnh, phải ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm. Theo ông, chúng ta cần phải phân biệt vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước với DN nhà nước, không trao cơ chế độc quyền hay đặc biệt cho bất cứ DN nào, không bơm tiền cho những DN Nhà nước hoạt động không hiệu quả. Quốc hội cần thể hiện tại nghị quyết yêu cầu về cải cách tiền tệ, hệ thống thống kê để lần tới không còn tình trạng Quốc hội quyết trên những con số ảo.

Đề cao vai trò nòng cốt của chính sách tiền tệ trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu sắc, toàn diện về nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch, trên cơ sở đó có giải pháp kịp thời, hiệu quả, gắn chặt với nguyên nhân.

Đáng chú ý, theo đại biểu Vinh, việc giãn, hoãn, khoanh nợ thuế chỉ hiệu quả với các DN làm ăn có lãi. Chính phủ cần đánh giá lại tổng thể các biện pháp hỗ trợ DN để điều chỉnh cho đúng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN.


Trước những hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch năm qua, đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương, các bộ, ngành trung ương trong thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

Theo ông, đến nay, Chính phủ vẫn chưa trình được Quốc hội đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân hàng thì rời rạc… Do đó, cần quan tâm ngay tới việc thay đổi cách quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, buộc phải thực hiện các quy hoạch, kế hoạch này; coi trọng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với quy hoạch ngành của từng dịa phương, gắn với quy hoạch vùng.

“Chính phủ cần sớm nâng tính pháp lý, xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục có hiệu quả những yếu kém kéo dài trong sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, phát triển, tránh tình trạng đầu tư vượt khả năng nguồn vốn”, đại biểu Vở nói.

Đề cập đến một hạn chế được nêu trong các báo cáo của Chính phủ là kỷ luật, kỷ cương thực hiện quản lý chưa nghiêm, đại biểu Nguyễn Thái Học – Phú Yên nhấn mạnh, hạn chế về kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, nói chưa đi đôi với làm đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ nhiều lần, nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục, làm giảm sút niềm tin của người dân trong nhiều lĩnh vực. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, làm cho hiệu lực quản lý Nhà nước kém hiệu quả. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để đây không còn là hạn chế của Chính phủ trong báo cáo các năm về sau.

Về đề xuất tăng bội chi, đại biểu Học lưu ý, việc Chính phủ nhận định nền kinh tế đang phục hồi nhưng lại đề nghị tăng bội chi, chủ yếu dùng để trả nợ, là không phù hợp. Theo ông, bội chi chỉ được ưu tiên để dùng cho đầu tư phát triển.

Đồng ý với nhận định về sự phục hồi của nền kinh tế trong báo cáo Chính phủ nhưng đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh lo lắng vì niềm tin thị trường chưa được phục hồi, thể hiện ở việc DN chưa mặn mà trong vay vốn dù lãi sất thấp, làm ăn cầm chừng; xuất khẩu tăng nhưng khu vực kinh tế trong nước đang yếu tầm trong cạnh tranh; thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây vay trung hạn.

“Đây là những vấn đề có thể gây bất ổn vĩ mô. Tôi nhất trí chúng ta chuyển hướng điều hành trong thời gian tới từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu. Chúng ta không nên nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết”, đại biểu Lịch nói.

Về các chính sách cho 2 năm tới, ông kiến nghị Chính phủ cố gắng xử lý chính sách tiền tệ linh hoạt ở mức tăng tín dụng khoảng 14-18%, để các DN vướng nợ có điều kiện làm ăn, trả được nợ vay, không chết vì thiếu vốn; cố gắng sử dụng hiệu quả dòng tiền, làm sao dòng tiền ngân sách như dòng máu. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ, tài khóa, điều chỉnh giá các dịch vụ công như một phương trình 3 ẩn số, tránh sự không đồng bộ, gây lạm phát; tập trung thực hiện cho được tái cơ cấu đầu tư công, đạt kế hoạch đề ra cho năm 2015, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu đến niềm tin thị trường.

“Vấn đề lớn nhất trong 2 năm tới của nước ta không phải là tăng trưởng 5-6% mà là tạo sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để phát triển trong giai đạn sắp tới. Niềm tin này không chỉ phụ thuộc vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ mà còn phụ thuộc lớn vào các quyết sách của Quốc hội trong kỳ họp này. Nếu Quốc hội không ra được các quyết sách tương xứng thì sẽ không tạo được niềm tin thị trường”, đại biểu Lịch lưu ý.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Huy Hùng – Hà Nội cũng cho rằng, nếu so với các nước khác, mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không phải là thấp. Ông ủng hộ việc tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ, chính sách tiền tệ, tích cực xử lý nợ xấu để tăng lưu thông của dòng tiền, chấp nhận tăng trưởng chậm nhưng vững chắc.

Cũng quan tâm đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng bày tỏ sự “an tâm” với báo cáo của Chính phủ nhưng đề nghị cần có đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này, vì tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm ngoái là “đáng nghi ngờ” trong khi thu ngân sách hụt, số DN giải thể, phá sản vẫn nhiều....

“Tăng trưởng kinh tế phải được đánh giá đúng, cũng như người bệnh, nếu tìm đúng bệnh thì mới có thuốc trị phù hợp”, đại biểu Thuyền nói.

Đề cập đến lỗi hệ thống trong các yếu kém của nền kinh tế, đại biểu Thuyền kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, giảm giá thuê đất; ngân hàng phải linh hoạt về thủ tục trong cấp vốn cho các DN; tiếp tục giãn nợ cho DN…

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về cùng nội dung với sự tham gia giải trình thêm của một số bộ trưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin thị trường quan trọng hơn tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.