(HNM) - Đồng chí Lê Hồng Thăng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công thương: Nâng cao vị thế sản phẩm công nghiệp chủ lực
Thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành và lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế; quan tâm mạnh mẽ đến sản phẩm và doanh nghiệp FDI (bộ phận đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu), đưa vào chương trình phát triển sản phẩm chủ lực để có chính sách hỗ trợ thích đáng, tạo lập và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Thêm nữa, thành phố cần tiếp tục nâng cao vị thế của các sản phẩm công nghiệp chủ lực được tôn vinh, tạo sự phát triển chung của công nghiệp Thủ đô; rà soát, điều chỉnh những quy định, quy chế và tiêu chí nhằm đánh giá, xét duyệt sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng chặt chẽ, lựa chọn những sản phẩm xứng đáng, có quy mô tầm cỡ cả phương diện sản lượng và chất lượng, mang tính tiêu biểu, phù hợp với thông lệ quốc tế, đúng chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Về phía quản lý nhà nước, chúng ta cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, đưa ra quy chế xét duyệt sản phẩm công nghiệp chủ lực theo hướng mở rộng hơn, nhất là đối với những ngành nghề như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, chế biến nông sản thực phẩm ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng vật liệu mới... Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng quy chế hỗ trợ phát triển sản phẩm theo hướng vận dụng tối đa nội dung và mức hỗ trợ của các văn bản, kết hợp với các ưu đãi đặc thù của Luật Thủ đô trong các lĩnh vực: Đất đai, vay vốn ngân hàng… Chúng ta cần phấn đấu đến năm 2020, số lượng sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng.
Đồng chí Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh
Để đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách như: Quy định về thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; khuyến khích các doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh nền kinh tế; thúc đẩy, phát triển công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư nước ngoài vào khu CNTT tập trung Hà Nội, hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp CNTT trong khu CNTT tập trung... Thành phố cần xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, tích hợp và liên thông với hạ tầng thông tin quốc gia trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT và các nhiệm vụ trong đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; phát triển Trung tâm Dữ liệu nhà nước, xây dựng Hệ thống giám sát mạng - bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và quản lý tập trung, tích hợp, liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của thành phố và quốc gia...
Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển CNTT trên địa bàn thành phố cả về phạm vi ứng dụng cũng như mức độ, quy mô triển khai, chúng tôi xin kiến nghị Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 16-9-2015 của Thành ủy, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt đời sống xã hội gắn với cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. HĐND, UBND TP Hà Nội cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo ban hành Chương trình mục tiêu ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2016-2020; tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh.
Đồng chí Phạm Xuân Phương, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn:
Tăng cơ hội tìm việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, huyện Sóc Sơn xin đề xuất, ngoài việc triển khai các chương trình hỗ trợ như hiện nay theo hướng tiếp cận với phương pháp giảm nghèo đa chiều, thành phố cần ưu tiên mạnh hơn đầu tư phát triển cho các huyện, xã nhiều khó khăn, vùng nông thôn ngoại thành, đặc biệt là về hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, điện nước, trường học, bệnh viện). Thành phố cần phát triển các khu, cụm công nghiệp, các loại hình dịch vụ, tăng cơ hội tìm việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn và coi đây là bước đi lâu dài để giải quyết tận gốc vấn đề.
Các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn. Những chính sách qua thực hiện thấy bất hợp lý phải khẩn trương được sửa đổi, thay thế theo hướng giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp, thay vào đó là những hỗ trợ mang tính bền vững như dạy nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nói chung, thành phố cần tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo sản xuất nông nghiệp. Về mặt đời sống văn hóa, thành phố cần tiếp tục chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Cuối cùng, thành phố và Trung ương cần có giải pháp ưu tiên cân đối ngân sách cho những địa bàn đặc thù như Sóc Sơn để có thêm những nguồn lực quan trọng thực hiện giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Thành ủy viên, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội:
Phấn đấu trở thành doanh nghiệp đạt tầm khu vực
Về phương hướng trong thời gian tới, Đảng bộ Tổng công ty xác định yêu cầu là phải bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về điện phục vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô với chất lượng ngày càng cao. Đơn vị sẽ tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội thành tổng công ty mạnh, có trình độ quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao, đầu tư vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Để làm được như vậy, đơn vị sẽ chú trọng đào tạo phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường học hỏi các đơn vị bạn và hợp tác quốc tế trong quản lý, vận hành nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa lưới điện...
Trong nhiệm kỳ này, Tổng công ty sẽ quy hoạch phát triển lưới điện với một cơ cấu hợp lý, kết hợp việc cải tạo nâng cấp và xây dựng mới lưới điện theo từng bước hiện đại hóa; hoàn thành các dự án đường dây và trạm biến áp 220kV, 110kV cấp điện cho Thủ đô; đẩy mạnh các công trình xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung hạ thế, các công trình đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đơn vị phấn đấu hoàn thành tốt việc bảo đảm cung cấp đủ điện, đáp ứng đủ nhu cầu về điện phục vụ nhân dân, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao... và nâng cao khả năng cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phấn đấu đưa Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam và đạt tầm khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.