Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ý kiến tâm huyết vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô

Thành Tâm| 11/11/2015 06:19

Đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ

Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng:
Đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ

Về công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, kỷ cương, ATGT và văn minh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi xin tham gia góp một số giải pháp cơ bản. Trước tiên là các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị từ thành phố tới cơ sở phải chú trọng, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân hiểu rõ ý nghĩa, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, kỷ cương, ATGT và văn minh đô thị, từ đó tạo sự nhất trí, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các cấp, các ngành cần nghiêm túc trong xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện bảo đảm tính sáng tạo, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Thành phố cần huy động các nguồn tài chính từ ngân sách, đồng thời đặc biệt chú trọng việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị; kết hợp với các chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, nội lực trong nhân dân. Chúng ta cần thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho phát triển đô thị để tập trung hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng, tiện nghi, môi trường sống cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt chú trọng đến các công trình hạ tầng về thoát nước và xử lý nước thải, rác thải, giao thông, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, các trường học, trung tâm hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, khu thương mại... Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm:
Lựa chọn nhà đầu tư vừa có tiềm lực tài chính, vừa có kinh nghiệm trong phát triển đô thị

Để xây dựng, phát triển các khu đô thị mới, trong giai đoạn tới ở Hà Nội cần đẩy nhanh việc xây dựng chương trình phát triển đô thị, thực hiện theo kế hoạch và chiến lược phát triển đô thị phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là giải pháp quan trọng để điều tiết hiệu quả tài nguyên đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư trước hạ tầng giao thông. Thành phố cần tập trung phát triển các khu đô thị mới theo hướng "đa cực", "đa trung tâm", trước mắt tập trung xây dựng các trung tâm đô thị như: Khu vực phía Tây (quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy); trung tâm Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm), trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ Bắc Sông Hồng gắn với trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài (huyện Đông Anh)... tiếp theo là các trung tâm đô thị tại Long Biên, Hoàng Mai và các thị trấn sinh thái, các đô thị vệ tinh. Đây là một giải pháp tốt nhất giảm áp lực cho trung tâm thành phố.

Thành phố cũng cần phát triển mô hình "khu đô thị mới tiện nghi đa chức năng", trong đó bổ sung đầy đủ chức năng như cơ sở làm việc, văn phòng, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí, trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ... có đường giao thông kết nối vào trung tâm thành phố, sân bay... Việc đầu tư phát triển các khu đô thị mới cần đồng bộ hạ tầng cơ sở với xây dựng nhà ở. Đây là điều kiện tiên quyết khi hình thành khu đô thị mới... Ngoài ra, thành phố cần huy động các nguồn lực từ xã hội, cùng với các nguồn hỗ trợ phát triển mà đô thị có được, đặc biệt chú trọng việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị; lựa chọn nhà đầu tư vừa có tiềm lực tài chính, vừa có kinh nghiệm trong phát triển đô thị.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch, Thành ủy viên, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong:
Là cán bộ đi học thì nên lấy việc tự rèn luyện ý thức tự giác học là chính

Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức trong tình hình mới, trước hết là trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐTCB Lê Hồng Phong đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức quản lý, nâng cao chất lượng giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ của thành phố. Quan điểm của nhà trường là coi trọng việc nâng cao chất lượng giảng viên, cán bộ quản lý, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, có ý nghĩa quan trọng, thông qua các giải pháp tạo điều kiện cho giảng viên đi học cao học, nghiên cứu...

Nhà trường xác định rõ, đối tượng học tập chủ yếu là vừa làm việc vừa đi học để có biện pháp quản lý phù hợp hiệu quả như: Bố trí lịch học 2 ngày/tuần; phát huy vai trò tự quản của ban cán sự lớp học trong quản lý học viên... Nhà trường cũng thực hiện nhiều biện pháp để tạo điều kiện, khuyến khích đối tượng học tập... Tuy nhiên, là cán bộ đi học thì nên lấy việc tự rèn luyện ý thức tự giác, tự thân tiến tới sự thực học của mỗi người là chính.

Sắp tới, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị từ kế hoạch mở lớp đào tạo, bồi dưỡng; từ khâu xét chọn học viên theo tiêu chuẩn, hồ sơ học viên, cho đến việc tổ chức thực hiện, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Nhà trường cũng chủ động không ngừng củng cố tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy theo hướng ngày càng hiện đại hóa, khoa học hóa từ phương pháp giảng dạy, phương tiện phục vụ giảng dạy cho giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho học viên như phòng học, thiết bị âm thanh, ánh sáng, tư liệu, thư viện, ký túc xá...

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh:
Cần nhấn mạnh hơn đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển kinh tế tri thức

Huyện ủy đã tổ chức hội nghị cho trên 300 cán bộ chủ chốt, 37 lớp học cho gần 13 nghìn đảng viên trong toàn huyện nghiên cứu dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI. Đa số đảng viên nhất trí với nhiệm vụ trong 5 năm tới và cho rằng những nhiệm vụ đó đã bao quát toàn diện từ kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, xử lý các quan hệ lớn...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh hơn đến nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển kinh tế tri thức và cần quan tâm hơn đến đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của ta diễn ra chậm. Về cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta cần tập trung đẩy nhanh cơ cấu đầu tư công; chú trọng, quan tâm hơn nữa tới kinh tế tư nhân, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính; đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn gắn hài hòa với xây dựng nhiều trung tâm đô thị hiện đại, chuyên ngành (đô thị trục Nhật Tân - Nội Bài, đô thị khoa học công nghệ Láng - Hòa Lạc...), tạo điểm nhấn để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tương lai, chúng ta nên đầu tư mạnh cho các trường đại học, trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phát triển các loại hình dịch vụ gắn với kinh tế tri thức và có cơ chế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ biển...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ý kiến tâm huyết vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.