Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân

Minh Ngọc| 22/12/2013 06:05

(HNM) - Ngày 20-12, BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày chuyên đề


Tái hiện "góc khuất" lịch sử

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, rất nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị địch bắt, giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc… Nhằm tái hiện một góc của lịch sử, trưng bày dành không gian vừa đủ để giới thiệu những bức ảnh đen trắng chụp hình ảnh các chiến sĩ, trong đó có cả các vị tướng, chân bị xiềng, tay bị xích, áo không được mặc, người gầy gò, ốm yếu nhưng niềm lạc quan, ý chí cách mạng thể hiện trên ánh mắt thì không đòn roi nào của kẻ thù có thể dập tắt.

Bên cạnh đó, hình ảnh, tư liệu về 21 vị tướng từng bị giam trong các nhà tù thực dân khi hoạt động cách mạng cũng được giới thiệu tương đối đầy đủ, trọn vẹn tại trưng bày đặc biệt này. Đó là hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911-2013) từ thời kỳ đầu tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt tù đày, cho đến khi chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử và nhiều chiến dịch quan trọng khác. Là những dòng "hồi ký" của Đại tướng Văn Tiến Dũng về quãng thời gian bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò "Từ 4 giờ sáng hôm ấy, lúc sương mù còn bao phủ thành phố, trong nhà pha Hỏa Lò, tiếng xiềng đã kêu loảng xoảng. Hai chiếc xe tải mà bọn thực dân thuê chở chúng tôi đã sẵn ở ngoài cổng. Hai cánh cửa sắt rít lên rồi hé mở. Ngót ba chục anh em chúng tôi xếp hàng đôi tiến ra"… Để lại ấn tượng đặc biệt cho người xem là những hình ảnh về nữ Thiếu tướng Nguyễn Thị Định (1920-1992). Người con gái Bến Tre Nguyễn Thị Định một lòng hướng về cách mạng, bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà giam Bến Tre khi vừa tròn 20 tuổi (năm 1940) cũng không khiến bà hoảng sợ. Ngược lại, trong thời gian bị giam hãm, tù đày, "Chị Ba Bích bày thêm kinh nghiệm là bọn quản tù hay chụp nắm tóc phụ nữ trước khi đánh. Vì vậy, chị em nên cài ít kim may vào trong búi tóc, để khi chúng chụp vào đầu tóc chị em, tay bị kim đâm sẽ bỏ ra ngay. Tới lúc đó, chị em có thời giờ để đối phó"…

Cũng tại trưng bày này, người xem còn thấy rõ hơn lối sống giản dị, khiêm nhường của những vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam qua chiếc khăn quàng cổ kẻ ca rô, bộ quần áo bà ba, đôi giày vải của Thượng tướng Đinh Đức Thiện sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; tấm khăn choàng ngả màu của Trung tướng Lê Hiến Mai sử dụng trong kháng chiến chống Pháp…

Giáo dục truyền thống cách mạng

Cùng con gái và chắt ngoại đến tham quan không gian trưng bày, cụ Ngô Duy Liên (93 tuổi), phu nhân Trung tướng Lê Hiến Mai đứng rất lâu trước những hình ảnh và hiện vật về chồng. Mái tóc đã bạc trắng, tai nghe không rõ, nhưng đôi mắt cụ vẫn còn đủ tinh nhanh để ngắm nhìn hình ảnh, tư liệu về người chồng mà cụ nhất mực ngưỡng mộ, thương yêu. Con gái của Trung tướng Lê Hiến Mai, bà Lê Thị Mai Bình chia sẻ: "Cha tôi có tên khai sinh là Dương Quốc Chính, nhưng chúng tôi đều mang họ Lê bởi tên Lê Hiến Mai là do Bác Hồ đặt cho cha tôi. Phát huy truyền thống của gia đình, tôi cũng là một chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa nghỉ hưu. Khi nhận được lời mời đến khai mạc trưng bày, tôi đưa cả cháu nhỏ đến, hy vọng thế hệ các cháu sau này sẽ hiểu và kế thừa truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng mà thế hệ trước đã dày công gây dựng".

Nói về đợt trưng bày đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò khẳng định: "Những hình ảnh chân thực, sống động được giới thiệu tại đây không chỉ là những bằng chứng đanh thép lên án sự tàn độc, dã man của bọn thực dân xâm lược, nói lên tấm lòng kiên trung, anh dũng của bộ đội Cụ Hồ mà còn khắc họa một cách sinh động chân dung các nhân vật lịch sử, các vị tướng tài từng bị giam hãm trong nhà tù thực dân. Trưng bày sẽ diễn ra trong thời gian dài, mở cửa liên tục phục vụ công chúng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; đồng thời giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những vị tướng từng bị giam trong nhà tù thực dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.