(HNMCT) - Báo Tết - báo xuân từ lâu đã trở thành một hoạt động thường niên của những người làm báo Việt Nam, trở thành một nét văn hóa, một thú chơi độc đáo của người Việt mà có lẽ không nước nào có. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người đọc lại háo hức chờ đón những số báo rực rỡ, tươi tắn, bừng lên sắc xuân. Thế nhưng, tục làm báo Tết, đọc (chơi) báo Tết xuất hiện từ bao giờ? Báo Tết có gì khác với những số báo thường ngày? Và điều quan trọng hơn cả là điều gì ẩn chứa sau những tờ báo Tết, khiến người ta háo hức chờ đón đến như vậy?
Căn cứ vào những tư liệu hiện có, tạm thời có thể xác nhận Nam Phong số Xuân Mậu Ngọ - 1918 là tờ báo Tết đầu tiên ở nước ta. Như thế, nét văn hóa độc đáo của người Việt này đã có lịch sử hơn 100 năm.
Nhìn lại những số báo xuân xưa, không khỏi bồi hồi, xốn xang vì cảm nhận được bước đi của thời gian, sự ngưng đọng của ý niệm con người trước vận hành miên viễn của vũ trụ. Tờ Nam Phong số Xuân Mậu Ngọ 1918 đánh dấu sự khởi đầu của một mỹ tục, đến giờ vẫn tỏa ra dư vị trong trời xuân thuở trước. Số báo này định hình một sắc thái, dẫu đã qua cả trăm năm vẫn còn nguyên niềm hân hoan: “Cả năm có một ngày tết là vui. Vui ấy là vui chung cả mọi người, vui suốt trong xã hội... Buổi đầu xuân năm mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở” (Lời thưa). Bởi thế, dù là tờ báo nghiêng về hàn lâm, học thuật, Nam Phong cũng phải chỉnh trang để trở nên “một cái quà phù hợp với cảnh năm mới”. Gác lại mọi bận bịu ngày thường, Nam Phong nhắc con người về một mùa xuân mới, “nếm miếng bánh đường, nhắp chén rượu ngọt cho khoan khoái tinh thần... Thắp hương, rải hoa, hun bút, mở giấy mà mừng tuổi cho nước nhà” (Lời thưa). Có lẽ, tinh thần ấy đã trở thành điển lệ cho tục làm báo Tết, đọc báo Tết hơn 100 năm qua.
Từ sau số báo Nam Phong ấy, mỗi dịp Tết đến xuân về người ta lại thấy xuất hiện những tờ báo rực rỡ sắc màu, nổi bật hơn hẳn các số báo thường ngày trong năm. Phụ nữ tân văn là tờ báo của giới nữ ở Sài Gòn, từ năm 1930 cũng đã chú ý đến việc ấn bản báo Tết. Tờ báo này nhấn mạnh: “Phụ nữ tân văn mở đầu khuôn mẫu của tờ báo xuân với kỹ thuật trình bày tiên tiến”. Đến số “Mùa xuân” (1932), Phụ nữ tân văn in rực rỡ với bìa đỏ chủ đạo hình một lọ hoa trên bàn bên cạnh tờ báo xuân tươi thắm. Tiếp theo, các số “Mùa xuân” (1933) bìa có hình các cô gái mặc áo dài, cầm hoa đi lễ chùa, số “Mùa xuân” (1934) có hình các cô gái xinh đẹp đang bơi thuyền... Các số này đều nổi bật với màu đỏ, vàng rạng rỡ, tươi vui.
Báo tết ở thời kỳ đầu được phát triển hoàn thiện hơn trong những ấn phẩm của Tự lực Văn đoàn (hai tờ Phong hóa - Ngày nay). Điểm qua các số báo xuân của Phong hóa - Ngày nay (số Xuân 1934, 1935, 1936, 1937, 1940...) dễ nhận ra khí sắc ngày xuân rộn ràng, tươi mới, phấn chấn. Từ tranh bìa đến các hình ảnh minh họa bên trong, từ nội dung bài vở đến cách trình bày bố trí, các số báo này đều nói lên tinh thần Âu hóa, tân thời, ánh sáng bừng lên giữa ngày xuân của dân tộc, đất nước. Đó có thể là những bài mạn đàm về phong tục - tập quán ngày Tết (Xuân về - Tứ Ly), bài tổng kết một năm đã qua, hình ảnh các cô, các bà đi du xuân, tranh truyền thống, tràng pháo nổ, rượu Hồng Quý Hương, lịch vạn niên, củ thủy tiên, tấm thiệp mừng... Rõ ràng, không khí ngày xuân đã lan tỏa trên các mặt báo.
Thời gian vốn vô tình, vô hình, nhưng thời gian ghim vào ký ức con người bằng những đắp đổi, thăng trầm biến cải. Thời gian trong những hiện hình ấy trở thành lịch sử, thành văn hóa. Có những quãng đầy biến cố mà báo xuân cũng tĩnh lặng hơn, dành sự quan tâm cho cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Tuy nhiên, trong những thời khắc trọng đại, thiêng liêng, báo xuân vẫn được nhắc đến một cách hân hoan. Chẳng hạn, tờ Văn nghệ Quân đội số xuân 1968 (Mậu Thân) với tiêu đề Xuân Thắng lợi, bìa sử dụng hình ảnh tươi tắn, cách điệu bức tranh Hứng dừa (tranh Đông Hồ) với hình ảnh các em thiếu nhi hái dừa, bên cạnh là chị dân quân, anh bộ đội. Số báo này đăng bài thơ chúc Tết nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”). Xuân Bính Thìn (1976) là cái Tết đầu tiên cả nước thống nhất. Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng mang một diện mạo khá tươi tắn với bìa là bức tranh bột màu Tấn công Đông Hà (1972) gợi lên khí thế cả nước xung trận, dồn lực cho ngày đại thắng. Các trang tiếp theo có ảnh Bác Hồ, thơ chúc Tết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, tên các bài thơ và một số hình minh họa cũng được thiết kế màu hồng tươi, làm mỗi trang tạp chí trở nên rạng rỡ...
Đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới và hội nhập, báo chí càng có điều kiện để thể hiện sắc màu tươi mới, ấm áp, no đủ của con người mỗi dịp Tết đến xuân về. Trên bình diện không gian, từ trung ương tới địa phương, mọi tờ báo trên cả nước đều chuyển mình khoe sắc. Thật không quá lời khi nói rằng báo Tết như ngàn hoa đua nở giữa đất trời ấm áp, giao hòa. Từ các ấn phẩm của báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hànộimới, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Thể thao Văn hóa... đến các tờ văn hóa văn nghệ, chính trị - xã hội ở địa phương hay các bộ, ngành, đâu đâu cũng nhận ra sắc xuân đang dâng tràn, lan tỏa.
Nhìn bao quát, đa phần các tờ báo Tết đều sử dụng các màu rực rỡ, chủ đạo là màu đỏ, hồng, vàng. Trang bìa được thiết kế bắt mắt với hình ảnh các loài hoa khoe sắc ngày xuân, trẻ em, người già, nam thanh nữ tú, gia đình sum vầy đoàn tụ, bánh chưng xanh, hộp mứt đỏ rộn rã, đầm ấm. Một số báo tùy thuộc vào lĩnh vực đặc thù hoặc chủ điểm của năm mà thiết kế có tính nhấn mạnh. Không thể thiếu được những hình ảnh tượng trưng gắn với các linh vật - con giáp của năm (Tý, Sửu, Dần, Mão...).
Vẫn là một mạch nguồn chảy tự trăm năm, các số báo Tết ngày nay cũng thường có bài bàn về các phong tục, tập quán, nét văn hóa ngày Tết. Như một mâm cỗ thịnh soạn, số xuân có đủ đầy tất cả các món: Thời đàm, chính trị xã hội, thơ, truyện ngắn, tản văn, tùy bút, bình luận, quảng bá, giới thiệu... Tùy mỗi tờ báo, mỗi đặc thù, chuyên môn, lĩnh vực mà tòa soạn biện bày sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.
Nếu báo xuân xưa nghiêng về “ăn Tết” thì báo xuân nay có xu hướng nghiêng sang “chơi Tết”, du xuân. Một mảng khá nổi bật là những hoài niệm Tết xưa trên báo nay với tâm sự trở về, hồi cố những nếp cũ còn vang bóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, trước các khả năng và vận hội mới, báo xuân ngày nay cũng tăng cường việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Mỗi tờ báo xuân đều thể hiện những nét đặc thù làm nên phong vị riêng. Mỗi tờ báo thực sự là một món quà, một “miếng bánh đường”, “một ly rượu ngọt”, hòa hợp với đất trời và lòng người giữa độ xuân sang.
Một điểm dễ nhận ra là các số báo Tết hiếm khi đăng các bài u ám, buồn bã hay những tranh luận, tiêu cực... Có lẽ, xu hướng này bắt nguồn từ truyền thống kiêng kỵ những điều không may, không hay trong dịp đầu xuân năm mới. Báo xuân gắn với ngày xuân, tiết xuân cốt để vui, để tin tưởng, hy vọng, chờ đón, để lan tỏa những điều may mắn cho một năm mới, như lời chúc, lời nguyện cầu, thế nên sắc điệu cũng hợp với cảnh tình vì thế. Bên bàn trà ngày Tết, bên cặp bánh chưng xanh, hộp mứt hồng, chén rượu thơm, bình hoa thắm, tờ báo xuân điểm tô làm tôn lên sự thong thả, đủ đầy, no ấm. Ấy cũng là ngầm ý cho mùa xuân mới an lành, thịnh đạt. Mọi âu lo, nhọc nhằn dường như tan biến trong không khí đầm ấm, tươi vui khi trời đất vào xuân.
Báo Tết xưa và nay, sau hơn 100 năm đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều thế hệ người Việt. Ai đi xa về gần, ai bôn ba lặn lội, ngày Tết nhớ về nguồn cội cũng là nhớ về những ký ức đầm ấm, sum vầy bên người thân, gia đình với biết bao yêu thương, hy vọng gửi vào một mùa xuân mới. Báo Tết gìn giữ ở đó những tự tình dân tộc buổi xuân về, như một dấu son giữa dòng thời gian.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.