(HNM) - Sáu tháng đầu năm 2013, ngành chăn nuôi cả nước đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng giá bán giảm khiến nhiều hộ ngừng sản xuất.
Do thua lỗ triền miên và chăn nuôi không ổn định nên số lượng nhập con giống bố mẹ 6 tháng đầu năm có nhiều biến động. Theo Cục Chăn nuôi, số lợn giống nhập về đạt 682 nghìn con, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2012. Gia cầm giống nhập 858 nghìn con, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2012. Do tiêu thụ chậm, tổng đàn lợn của cả nước vẫn chỉ duy trì ở mức 26,9 triệu con, đàn gia cầm 314 triệu con, đàn trâu 2,6 triệu con; đàn bò 5,1 triệu con nên số lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu trong 6 tháng giảm: Thịt lợn chỉ nhập khoảng 1,2 nghìn tấn (giảm gần 4% so với cùng kỳ); thịt gà nhập 32,9 nghìn tấn.
Chăm sóc đàn gà tại hộ gia đình xã Tiên Dương (Đông Anh) Ảnh: Trung Kiên |
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đứng trước nhiều thử thách như sức mua của thị trường kém, sản phẩm chăn nuôi không bán được, người chăn nuôi thua lỗ kéo dài... Đặc biệt, dịch bệnh diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, trong khi chi phí thú y cao (tăng khoảng 5-10%), chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (65-70% về đầu con và 55-60% về sản phẩm) khiến cho người chăn nuôi đã khó càng thêm khó. Thiếu vốn, lãi suất tín dụng cao nên chỉ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn duy trì được sản xuất ở mức độ cầm chừng, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như đã bỏ chuồng. Việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia súc, gia cầm sống nhập lậu còn nhiều khó khăn, bất cập.
Thế nhưng, như Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, trong khi chi phí đầu vào đều tăng thì giá bán thịt gia súc, gia cầm biến động theo chiều hướng ngược lại. Chẳng hạn như giá thịt lợn tháng 1 tại miền Bắc từ 48.000-50.000 đồng/kg nhưng đến nay giảm còn 40.000-41.000 đồng/ kg; tại miền Nam, giá thịt lợn tháng 1 là 44.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 37.000-39.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp tại miền Bắc tháng 1 là 38.500-40.500 đồng/kg, nay xuống còn 25.000-27.000 đồng/ kg; ở miền Nam từ 32.500 đồng/kg nay giảm còn 17.00-19.000 đồng/ kg. Ông Nguyễn Đình Viện, hộ nuôi lợn ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, mặc dù vẫn duy trì quy mô trang trại 500 con lợn thịt và 200 lợn nái như các năm trước nhưng do từ đầu năm đến nay giá bán lợn giảm liên tục nên lãi ít hơn khoảng 10- 20% so với cùng kỳ năm 2012.
Quy hoạch lại là yêu cầu cấp thiết
Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ về vốn cho người dân để khôi phục sản xuất, đồng thời quy hoạch lại ngành chăn nuôi. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong cải tạo, chọn giống, phối trộn thức ăn, giám sát dịch bệnh và quản lý sản xuất kinh doanh cho người chăn nuôi, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và tình hình nhập lậu vật nuôi qua biên giới.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, hoạt động của một số cơ sở giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phấn đấu đưa ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng từ 5-6% so với năm 2012. Hiện nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát nhưng không thể chủ quan, các địa phương vẫn cần chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh để tránh gây thiệt hại cho người dân.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, đến thời điểm này chăn nuôi cơ bản ổn định nhưng do người chăn nuôi thua lỗ trong thời gian dài, cộng với các chi phí đầu vào tăng nên Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất để không xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm trong các tháng cuối năm 2013. Thời điểm cuối năm, tình hình buôn lậu gia súc, gia cầm sẽ gia tăng, do đó các đơn vị của ngành nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc kiểm soát gia súc, gia cầm nhập lậu từ biên giới đưa vào trong nước, nếu không làm tốt việc này sẽ ảnh hưởng tới giá thực phẩm. Cục Chăn nuôi cần sớm hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi trình Bộ NN& PTNT vào cuối tháng 7 để đưa ra những giải pháp phù hợp cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.