(HNM) - Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ Cảng Hải Phòng về Hà Nội hoặc ngược lại đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam...
Tuy nhiên, với giới doanh nghiệp, thông tin này không có gì lạ. Chi phí vận chuyển hàng (chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm, lên đến 20-30%) tăng cao, phát sinh chủ yếu trong quá trình giao nhận, vận chuyển hàng như thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, biến động giá xăng dầu, hạ tầng yếu kém…
Những phát sinh đó là do một số quy định không rõ ràng, thậm chí chồng chéo, phức tạp, làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một bộ phận công chức lẽ ra phải có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục cho doanh nghiệp thì lại thờ ơ bỏ qua thao tác này hoặc hướng dẫn không đầy đủ, chưa kể còn gây nhũng nhiễu, tìm cách bắt lỗi, buộc nhiều doanh nghiệp phải “bôi trơn”. Để được có lợi thế trong kinh doanh và được việc, thì một bộ phận doanh nghiệp lại chạy theo kiểu kinh doanh bằng "quan hệ", chủ động “đi đêm” với những khoản chi phí không chính thức.
“Sức khỏe” của doanh nghiệp chính là “sức khỏe” của nền kinh tế. Nếu các rào cản trên không được dẹp bỏ, doanh nghiệp sẽ suy yếu do gánh nặng về chi phí, khó có thể bứt phá. Để làm được điều đó cần phải kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, minh bạch và khuyến khích đầu tư, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật thông suốt từ trung ương đến địa phương. Một nội dung khác cũng không kém phần quan trọng là làm thế nào để tạo sự chuyển biến đối với những cán bộ thực thi công vụ, sao cho lực lượng này giữ được tinh thần nghiêm túc, không gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.
Cải cách thể chế theo hướng cởi mở, thân thiện sẽ tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách bình đẳng, công bằng từ những thành quả tăng trưởng thương mại. Từ đó sẽ rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan…), chi phí sử dụng các công trình dịch vụ công, nhất là chi phí kiểm định, thẩm định, giám định, các chi phí kiểm tra khác.
Ngoài ra, còn cần tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế, tạo cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp…
Gánh nặng về chi phí không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển mà còn bào mòn “sức khỏe” của doanh nghiệp. Những vấn đề này vừa được Chính phủ cởi mở ghi nhận và cam kết sẽ đồng hành để tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Như phát biểu tâm huyết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra mới đây tại Hà Nội: “Chính phủ liêm chính thì doanh nghiệp phải làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật; Chính phủ kiến tạo thì doanh nghiệp phải sáng tạo…”.
Doanh nghiệp và người dân luôn mong mỏi những rào cản này sẽ sớm được gỡ bỏ để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế đất nước...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.