Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “ông trùm” của làng công nghệ không để lại tiền cho con cái

Diệu Linh| 02/12/2015 17:53

(HNMO) – Họ đều là những ông chủ quyền lực của các tập đoàn công nghệ lừng lẫy bậc nhất thế giới và nắm trong tay khối tài sản kếch xù lên tới hàng chục tỷ đô la. Tuy nhiên, thay vì để con cái thừa kế cơ ngơi và tiếp tục đế chế mà bản thân đã dành cả đời để gây dựng, họ lại dành số tiền đó cho việc các việc thiện nguyện để giúp thế giới này tốt đẹp hơn.


Nhà đồng sáng lập của hãng sản xuất phần mềm Microsoft – Bill Gates


Có thể nói ông là một trong số những tỷ phú dẫn đầu phong trào “nói không với việc dành hết tài sản cho con”. Bill Gates đã từng tuyên bố rằng ông sẽ không dành hết số tài sản có giá trị lên tới 84,9 tỷ USD cho ba người con. Thay vào đó, mỗi người chỉ được 10 tỷ USD và số tiền còn lại sẽ được gửi vào từ thiện. Trả lời cho chuyên mục AMA (Ask Me Everthing) của Reddit, ông cho biết: “Việc để lại cho những đứa trẻ một số lượng lớn tài sản như vậy hoàn toàn không phải là điều tốt cho chúng”. Ông đã thành lập Quỹ từ thiện Bill & Melinda từ năm 1994 và số tài sản hiện nay đã lên tới 38 triệu USD. Bill Gates còn cộng tác cùng người bạn lâu năm là nhà tài phiệt Warren Buffett để mở rộng chiến dịch “The Giving Pledge” (Cam kết cho đi) để khuyến khích các nhà tỷ phú khác quyên góp ít nhất là một nửa số tài sản của họ cho việc thiện nguyện.


Nhà sáng lập trang web mua bán trực tuyến lớn nhất thế giới eBay – Pierre Omidyar


Ông Omidyar và vợ mình được cho là cặp đôi hào phóng nhất trong lĩnh vực công nghệ khi sẵn sàng cho đi 1 tỷ USD của khối tài sản kếch xù khi trang eBay chính thức được mở cửa năm 1998. Họ đã ký kết tài trợ cho chiến dịch “Giving Pledge” của Bill Gates từ năm 2010 và sau 5 năm, tài sản của họ trong chiến dịch này có trị giá 8,1 triệu USD. Trong bức thư cam kết, Omidyar có viết: “Năm 2001, tôi đã thông báo công khai rằng chúng tôi có ý định cho đi phần lớn khối tài sản tích luỹ được suốt cuộc đời mình. Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản, chúng tôi có nhiều tiền đến nỗi có những khoản chúng tôi không bao giờ dùng đến. Không việc gì phải giữ khư khư chúng trong khi số tiền đó có thể góp phần vào việc giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất mà thế giới đang phải đối mặt”. Vợ chồng nhà hảo tâm này còn quyên góp hết số cổ phiếu của eBay cho “Omidyar Network”, nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến chống lại nạn buôn người.

CEO của Google – Larry Page


Page lại có những ý tưởng rất khác biệt về việc sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình. Ông từng nói rằng, thay vì cho hai đứa con thừa kế số tiền mình có được, ông sẽ đầu tư chúng cho các nhà doanh nghiệp. Điển hình như Elon Musk, người từng có ý tưởng lớn để thay đổi thế giới. Page cho biết: “Musk muốn đến sao Hoả. Phải nói đó là một mục tiêu rất giá trị”.


Nhà sáng lập dịch vụ truyền hình qua internet Netflix – Reed Hastings


Hastings và vợ đã ký cam kết “Giving Pledge” từ năm 2012 khi tài sản của họ có giá trị khoảng 280 triệu USD. Hiện tại, số tiền ông thu được từ trang mạng Netflix ít nhất là 1,6 triệu USD, theo đó trở thành một nhân tố mới của danh sách những tỷ phú giàu có nhất thế giới do Forbes bình chọn. Ông có quan tâm đặc biệt đến giáo dục sau khi ở cương vị Chủ tịch của Uỷ ban Giáo dục California, Mỹ năm 2000 đến 2004. Các trang báo từng đưa tin rằng số tiền của ông trong chiến dịch “Giving Pledge” được sử dụng khá hiệu quả trong các hoạt động giáo dục.


CEO công ty phần mềm lớn thứ 2 thế giới Oracle – Larry Ellison


Nổi tiếng là một người có lối sống khá phóng khoáng, Larry Ellison đã quyên góp hơn 95% số tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, đặc là các quỹ liên quan đến y tế. Trong bức thư gửi cho quỹ “Giving Pledge” vào tháng 8 năm 2010, ông có viết: Warren Buffett đã từng khuyên tôi nên viết bức thư này để gửi cho quỹ vì tôi có thể là một tấm gương và có sức ảnh hưởng tốt tới những người khác. Tôi hy vọng rằng ông ý đúng”. Tuy nhiên, ngoài việc để tiền từ thiện, Larry cũng cho các con số cổ phần của Oracle, mặc dù chúng còn rất bé. Hiện tại, công ty của ông đang trở nên ngày càng hùng mạnh nên ông cũng muốn dạy những đứa trẻ của mình biết chia sẻ với người khác.

CEO của doanh nghiệp tỷ đô Spanx – Sara Blakely



Cô là người phụ nữ đầu tiên ký kết chiến dịch “Giving Pledge” vào năm 2013 và cam kết sẽ từ thiện phần lớn tài sản của mình cho các vấn đề về phụ nữ. Khi cô thông báo với con trai 3 tuổi về quyết định của mình thì cậu bé có vẻ không hề quan tâm mà chỉ hỏi mẹ: “Được thôi mẹ, giờ thì chúng ta chơi đoán chữ nhé!”. Trong lá thư cam kết, Sara chia sẻ: “Tôi cam kết tài trợ tiền của mình cho phụ nữ bởi tôi tin rằng nó sẽ đem lại một kết quả xứng đáng. Tôi tin rằng nếu một nửa thế giới (phái đẹp) sẽ rất thành công khi được hỗ trợ để sáng tạo, được giáo dục, có cơ hội thành lập doanh nghiệp… - chỉ đơn giản là cho họ một cơ hội để toả sáng”.


CEO công ty về ô tô điện Tesla Motors - Elon Musk


Elon hiện có 5 người con, một cặp sinh đôi và một cặp sinh ba. Dù vậy, anh vẫn rất mạnh tay quyên góp phần lớn số tiền thuộc gia tài trị giá 12,9 triệu USD của mình vào việc tái tạo năng lượng, khoa học, giáo dục kỹ thuật và giáo dục trẻ em. Khi ký “Giving Pledge” với lời cam kết sẽ cho đi phần lớn tài sản của mình, hiện tại, Elon chỉ nhận 1$/năm từ công việc tại công ty Telsa.

Nhà sáng lập và CEO của trang mạng xã hội Facebook – Mark Zuckerberg


CEO của Facebook là người mới nhất ghi tên mình vào danh sách những tỷ phú quyên góp nhiều tiền nhất cho việc từ thiện. Ngày 1/12, để chào mừng sự ra đời của cô con gái bé nhỏ Max, anh đã tuyên bố trên Facebook rằng hai vợ chồng có kế hoạch gửi hầu hết số tiền kiếm được vào quỹ từ thiện thay vì để lại cho con gái. Trong bức thư gửi đến con gái, Mark viết: “Khi con trở thành thế hệ tiếp theo của gia đình nhà Chan Zuckerberg cũng là lúc chúng ta thành lập Sáng kiến Chan Zuckerberg để kết nối tất cả mọi người trên thế giới, phát huy khả năng tiềm ẩn trong họ và thúc đẩy sự bình đẳng ở trẻ em ở các thế hệ tiếp theo… Bố mẹ sẽ quyên góp 99% cổ phiếu của Facebook, có giá trị tương đương 45 triệu USD để thực hiện mục tiêu đó”. Đầu năm 2015, hai vợ chồng CEO tài năng đã quyên góp 75 triệu USD vào Bệnh viện đa khoa San Francisco giúp mở thêm hai phòng xử lí chấn thương, ba phòng phẫu thuật và giúp mở rộng phòng cấp cứu ra gấp hai lần.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “ông trùm” của làng công nghệ không để lại tiền cho con cái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.