(HNM) - Mười bốn bạn trẻ, tuổi đời dưới 30, đã cùng nhau lập nên một hội quán giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh năng động và hiện đại. Với nỗ lực hết mình vì lòng đam mê, họ đều có chung mong muốn là gìn giữ, quảng bá, phát huy những điều hay, nét đẹp trong văn hóa cổ vùng đất Nam Bộ xưa.
Hội quán cổ của những người trẻ
Căn nhà nép dưới bóng cây trong hẻm số 6 đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3) thành phố Hồ Chí Minh có vẻ ngoài tĩnh lặng, với lối kiến trúc Pháp xưa. Đi qua khoảng sân hẹp, lách mình qua cánh cửa nhỏ khép hờ, mọi ồn ào phố thị chợt biến mất ngoài kia bởi khách phương xa đã được đắm mình vào một không gian khác hẳn.
Căn phòng rộng chừng 50m2 được bài trí đậm chất Á Đông theo lối nhà xuyên trinh Nam bộ xưa (nhà lòng sâu, có 2 cột lớn giữa nhà). Chính giữa là một gian thờ lớn với lối bày đồ thờ đặc trưng của những ngôi nhà cổ Nam bộ theo luật Đông Bình Tây Quả (phía Đông đặt bình hoa, phía Tây đặt đĩa quả); chính giữa có lư hương đồng đúc mắt tre lớn. Phía trước có cặp chân đèn, bát nhang, chung nước và đĩa trầu cau. Phía sau tủ thờ là ba bàn thờ hình chữ nhật, dùng để bày biện đồ cúng...
Mười bốn người trong trang phục áo dài khăn xếp đứng hàng ngang kính cẩn chắp tay trước gian thờ. Điều bất ngờ là tất cả trong số họ đều rất trẻ, ngoài 20 tuổi. Người chủ lễ Lương Hoài Trọng Tính, 27 tuổi, làm lễ cẩn cáo xong, lần lượt từng thành viên trong nhóm tiến vào gian thờ quỳ lạy 3 lần. Người nam đi vòng bên tay phải. Người nữ đi vòng bên tay trái. Mọi động tác thành kính, thuần thục. Họ là những thành viên của Đại Nam Hội quán, nơi tập hợp những người trẻ tuổi, yêu thích việc tìm hiểu văn hóa dân tộc và gìn giữ những nét xưa của vùng đất Nam Bộ hơn 300 năm lịch sử.
Sinh ra trong một gia đình luôn trọng việc gìn giữ những nét văn hóa xưa tại Trà Vinh, Lương Hoài Trọng Tính đã được ông bà, cha mẹ giáo dục từ nhỏ về lễ nghi, phong tục, truyền thống người Nam bộ xưa. Tất cả những điều đó cứ ngấm dần vào cậu, để rồi khi trở thành chàng sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng thì niềm đam mê nghiên cứu và vốn kiến thức học hỏi từ nhỏ đã lớn đến mức khiến cậu muốn làm một điều gì đó để quảng bá những điều hay, điều lạ này đến nhiều người hơn nữa.
Tập hợp được 10 bạn cùng đam mê, Lương Hoài Trọng Tính thành lập Đại Nam Hội quán vào đầu tháng Giêng năm 2017. “Cả nhóm quyết định lấy tên Đại Nam để thể hiện lòng tự hào dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến; lấy mô hình hội quán để có thể tập hợp nhiều hơn nữa những người đam mê tìm hiểu và gìn giữ văn hóa dân tộc”, Lương Hoài Trọng Tính chia sẻ.
Những hoạt động thiết thực
Căn nhà trong hẻm số 6 Ngô Thời Nhiệm được Đại Nam Hội quán đặt “trụ sở”. Đây là nhà ông bà của Tính và là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện về các chủ đề nét văn hóa xưa như: Trang phục người miền Nam xưa; kiến trúc đặc trưng Nam bộ, Tết Nam bộ hay chủ đề về vốn lời cổ, cách xưng hô, phong tục tập quán cũ, nghệ thuật đờn ca tài tử… thu hút hàng nghìn lượt người tham dự. Trang Fanpage của Đại Nam Hội quán đã thu hút được hơn 16.000 người theo dõi. Mọi hoạt động của hội quán đều do 14 thành viên bỏ tiền túi tổ chức. Một số sự kiện đặc biệt có sự tham gia hỗ trợ từ cộng đồng.
Lâm Chính Cương, 23 tuổi, vốn là một bạn trẻ đam mê nghiên cứu các môn nghệ thuật cổ truyền. Biết đến Đại Nam Hội quán vào năm 2018, Cương đã ngay lập tức tham gia vì tìm thấy ở đây những điều mình yêu thích. Cương chia sẻ: “2 năm qua, em đã học được rất nhiều điều hữu ích; em đã bổ sung kiến thức cho bản thân mình và tham gia cùng nhóm quảng bá văn hóa xưa của người Việt đến với các bạn trẻ khác”.
Các buổi sinh hoạt theo chủ đề của Đại Nam Hội quán còn có nét hấp dẫn rất riêng, đó là những bài trình tấu nhạc cổ của ban nhạc 4 người. Phụ trách Hưng - Lễ - Bang chuyên môn về âm nhạc của hội quán là Lê Hoàng Phúc, 26 tuổi, quê Long An. Khác với vẻ nghiêm nghị khi mới gặp ngoài đời và nói chuyện về những đề tài hiện đại, Lê Hoàng Phúc là một hoạt náo viên dí dỏm, với lối nói thích dùng cổ ngữ, khi điều hành ban nhạc và nhất là khi nói về ca cổ Nam bộ trong những buổi sinh hoạt của hội quán.
Bất ngờ hơn nữa bởi dù là một người rất am hiểu các bộ môn âm nhạc cổ, nhưng Lê Hoàng Phúc lại đang là người đứng đầu một Câu lạc bộ Nhạc acoustic tại thành phố Tân An (tỉnh Long An), chuyên biểu diễn tại các quán cà phê và chơi nhạc phục vụ người muốn hát góp vui. “Câu lạc bộ này chính là nơi giúp em tập hợp những bạn trẻ tại Long An, từ đó tìm thêm được những người đam mê tìm hiểu văn hóa xưa để cùng tham gia các hoạt động của Đại Nam Hội quán”, Phúc chia sẻ.
Một trong những việc mà Đại Nam Hội quán mong muốn thực hiện thành công trong thời gian tới, đó là phổ biến và khuyến khích người Việt mặc áo dài truyền thống nhiều hơn, không chỉ trong các dịp lễ Tết mà cả trong những sinh hoạt hằng ngày, trước hết là tại các điểm di tích lịch sử.
Chúng tôi được tham gia một buổi dã ngoại cùng nhóm đến những di tích xưa như Miếu Thượng Công ở thành phố Hồ Chí Minh và Đình Tân An ở Bình Dương để tìm hiểu về nguồn gốc áo dài xưa. Như được “gợi” đúng mạch, Lương Hoài Trọng Tính đã say sưa nói về chiếc áo dài này.
Theo anh, từ cuối thế kỷ thứ XVIII, chiếc áo dài đã được định hình là trang phục cơ bản của người Việt ở Đàng trong. Áo gồm 5 thân, cổ đứng, có 5 nút cài chéo bên phải người mặc, tượng trưng cho Ngũ thường của Nho giáo. Áo dài người Việt xưa có 2 loại: Áo dài tay thụng (thường dược dùng cho người có chức sắc hoặc dùng dịp lễ, Tết) và áo dài tay chẹt (ống tay nhỏ hơn, dùng cho dân thường tiện việc sinh hoạt lao động hằng ngày). Trong bộ trang phục của nam giới còn có khăn đóng 7 lớp, tượng trưng cho 7 vía của người nam, theo quan niệm của người Nam bộ xưa. Hai loại khăn đóng phổ biến là khăn đóng có chữ Nhân và khăn có chữ Nhất…
Nói về dự án phổ biến áo dài, các thành viên Đại Nam Hội quán thống nhất cho rằng: Nhóm mong muốn chiếc áo dài truyền thống, nhất là áo dài cho nam giới, được người hiện đại chấp nhận. Các thành viên nhóm luôn mặc bộ trang phục này trong mọi dịp có thể và mong muốn làm cho nó đẹp hơn, tiện lợi hơn để mọi người dân Việt Nam có thể mặc nó như trang phục hằng ngày, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa đặc trưng người Nam Bộ….
Với ánh mắt đầy nhiệt huyết, Lương Hoài Trọng Tính nói với chúng tôi: “Bằng cách trình bày gần gũi nhất, chúng tôi mong có thể lưu giữ được những nét đẹp văn hóa bao đời của người Việt và truyền đến với mọi người”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.