Giới trẻ

Những người “ly nông” nhưng không “ly hương”

Nguyễn Mai 11/10/2023 15:16

Cùng với sự phát triển của Thủ đô và đất nước, thời gian qua, nhiều người trẻ ở Phúc Thọ đã có đổi mới, sáng tạo trên con đường khởi nghiệp. Đặc biệt, “ly nông” nhưng không “ly hương”, nhiều người đã chọn khởi nghiệp ngay tại địa phương… gặt hái nhiều thành công.

943e4c49b7e563bb3af4.jpg
Sản xuất vi sinh bằng hệ thống lên men tự động tại Công ty Bio-Floc (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ).

Đổi mới, sáng tạo trong khởi nghiệp

Anh Nguyễn Văn Quỳnh (sinh năm 1981), chủ cơ sở may BPR xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ chia sẻ: “Sinh ra ở thôn Táo, đa phần người dân chỉ biết làm nông. Mong muốn thoát nghèo, tôi đã đi xuất khẩu lao động 8 năm. Tuy kiếm được tiền nhưng cuộc sống tha hương cũng rất nhiều vất vả, nhớ nhà và người thân. Chính vì vậy, tôi quyết định trở về quê hương học hỏi, mua trang thiết bị về dựng xưởng may quần áo thời trang”.

Theo anh Quỳnh, không bán hàng cho các đầu mối tại các chợ truyền thống, từ năm 2015, anh chọn kinh doanh bằng hình thức thương mại điện tử có thương hiệu. “Kinh doanh online không tốn chi phí, mức độ bán hàng bao phủ toàn quốc và phù hợp xu thế tiêu dùng hiện đại của giới trẻ nên sức tiêu thụ rất tốt”.

Còn chị Trần Thị Nhường (sinh năm 1977; ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) chia sẻ, sinh ra trong gia đình có truyền thống làm may nhưng chị lại chọn học dược. Tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho một doanh nghiệp dược liệu của trung ương chuyên về sơ chế, chế biến các vị thuốc đông y. Không bằng lòng với công việc của mình, chị quyết định “bỏ phố về quê” cùng một số người bạn thành lập Công ty CP phát triển Dược Vesta.

Hiện tại, công ty chuyên sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược, mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, tạo việc làm cho một số lao động địa phương.

phuc-tho.jpg
Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược của Công ty CP phát triển Dược Vesta (xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ).

Giống như chị Nhường, anh Đỗ Hoành Quân (sinh năm 1985, ở xã Liên Hiệp) cũng tốt nghiệp đại học và cao học ngành công nghệ sinh học, quyết định quay về lập nghiệp tại quê hương.

Anh Quân cho biết, giai đoạn 2010-2012, người nuôi thủy sản trên khắp vùng miền đều gặp nhiều dịch bệnh, môi trường suy kiệt do lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi. Cùng với đó, sự thay đổi mô hình nuôi từ thâm canh sang siêu thâm canh đòi hỏi ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào nuôi trồng...

Từ những điều kiện đó, anh Quân và bạn đã thành lập Công ty Bio-Floc chuyên sản xuất các loại vi sinh làm sạch môi trường, kháng bệnh cho thủy sản. Đến nay, sau 10 năm trở về quê khởi nghiệp, Công ty Bio-Floc đã có hệ thống phân phối khắp cả nước, hợp tác với hơn 30 công ty cung cấp nguyên liệu và giải pháp cho khách hàng.

Mong muốn đóng góp xây dựng quê hương

Tại tọa đàm “Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - con đường đi đến thành công” do UBND huyện Phúc Thọ tổ chức mới đây, nhiều tham luận của những người khởi nghiệp thành công tại quê nhà đều mong muốn được đóng góp, lan tỏa cách làm để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

phuc-tho-2.jpg
Anh Đỗ Hoành Quân mong muốn được chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản mới bằng chế phẩm sinh học cho người dân địa phương.

Anh Đỗ Hoành Quân, Công ty Bio-Floc (xã Liên Hiệp) cho biết: Huyện Phúc Thọ đang có diện tích 590ha thủy sản. Diện tích lớn nhưng người dân chưa tập trung thâm canh mật độ cao như huyện Ứng Hòa hoặc các vùng nuôi ở tỉnh Hải Dương. Vì vậy, để phát triển ngành thủy sản tại huyện, cần tập huấn để nâng cao trình độ kỹ thuật cho người nuôi, xây dựng các mô hình điểm. Để phòng trừ dịch bệnh, bà con cần chọn lọc các loại thức ăn chất lượng, nguồn giống tốt; đặc biệt thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường trong quá trình nuôi, giúp tôm, cá khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

“Là người con quê hương, tôi mong muốn được chính quyền khâu nối chuỗi liên kết với các mô hình điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Công ty sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản mới bằng chế phẩm sinh học tạo ra nguồn thực phẩm sạch, giảm chi phí và tăng hiệu quả cho người chăn nuôi”, anh Quân nói.

moc-phu-an.jpg
Người dân thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất mộc.

Từ đê La Thạch nhìn xuống, làng quê Phú An hôm nay luôn nhộn nhịp, xe cộ tấp nập nhập nguyên liệu đầu vào, chở sản phẩm đi các nơi tiêu thụ.

Anh Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch Hội làng nghề mộc - nội thất Phú An (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) cho biết, cả thôn Phú An có 523 hộ thì 171 hộ mở xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất. Năm vừa qua, giá trị sản xuất từ làng nghề ước đạt 158 tỷ đồng, chiếm 88,27% tổng giá trị sản xuất của làng. Nhiều hộ không sản xuất nông nghiệp, chỉ chuyên tâm làm mộc, thu nhập cao. Đặc biệt, các hộ tham gia Hội làng nghề mộc - nội thất Phú An còn chung sức ủng hộ trong xây dựng quê hương, như: Tổ chức đóng bàn, tủ tặng Trạm Y tế xã, tặng ghế đá cho trường học. Các hộ sản xuất cũng đã tuyên truyền vận động nhau đóng góp, ủng hộ 220 triệu đồng mua xe phòng cháy, chữa cháy mini, bảo đảm an toàn sản xuất cho làng nghề.

Là người con quê hương, chị Trần Thị Nhường mong muốn tìm địa điểm phù hợp để triển khai trồng dược liệu hoặc liên kết với nông dân trồng dược liệu ngay tại huyện, tạo thêm việc làm cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, để hỗ trợ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại quê hương, hằng năm, huyện đều tổ chức hội nghị, tọa đàm chia sẻ, giao lưu, học hỏi, phát động kết nối kiến thức giữa các nhà khoa học, nông dân, nhà quản lý, doanh nghiệp. Hằng năm, vào dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), huyện tổ chức tọa đàm gặp gỡ các doanh nhân, doanh nghiệp để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đưa ra giải pháp phát triển...

Phúc Thọ là huyện thuần nông, để đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, trên cơ sở quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội, UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu ứng dụng khoa học và kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Huyện phối hợp các sở, ngành thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc sản, làng nghề; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện để người dân sản xuất tốt hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những người “ly nông” nhưng không “ly hương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.