Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người làm nên "trái tim của nhà mạng"

Thanh Hà| 27/03/2020 07:07

(HNM) - Trong lĩnh vực viễn thông, hệ thống tính cước có vai trò quan trọng được ví như “trái tim của nhà mạng” bởi ứng dụng không chỉ tính cước thu tiền mà còn ghi nhận mọi hoạt động của khách hàng sử dụng dịch vụ. Hiện trên thế giới có rất ít nhà cung cấp hệ thống này.

Từ năm 2017, đội ngũ kỹ sư công nghệ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel (Tập đoàn Viettel) đã phát triển thành công sản phẩm “Hệ thống tính cước theo thời gian thực - Online Charging System" (vOCS) sử dụng cho mạng lưới Viettel trong nước và thị trường nước ngoài, mang lại lợi ích lớn không chỉ về giá trị về kinh tế.

Kỹ sư trưởng Trần Văn Thuyết.

"Nhóm nhỏ làm việc lớn"

Anh Trần Văn Thuyết (sinh năm 1990), Kỹ sư trưởng công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu OCS, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao (Tập đoàn Viettel) kể lại quá trình phát triển sản phẩm này: "Với mong muốn tạo riêng một hệ thống tính cước của Viettel, từ năm 2013 nhóm thực hiện thiết kế phần mềm này. Khi bắt tay làm mới thấy hết độ khó để xây dựng được hệ thống tính toán tưởng như đơn giản này. Lúc đó, chúng tôi mới hiểu vì sao, có hàng trăm nhà mạng hoạt động nhưng chỉ có rất ít nhà cung cấp sản phẩm này. Một thách thức không nhỏ với nhóm khi chỉ có 20 thành viên ban đầu".

Dù rằng các đối tác cung cấp thiết bị nước ngoài cũng khuyến cáo để làm thành công phải cần 1.000-2.000 kỹ sư và phải làm ròng rã trong nhiều năm... Thế nhưng, với phương châm "nhóm nhỏ làm việc lớn", những kỹ sư Viettel đã không nhụt ý chí, với niềm tin người Việt sẽ làm được hệ thống tính cước cho riêng mình.

Cũng theo Trần Văn Thuyết, để dự án không chệch hướng hoặc bị chậm, nhóm phác thảo định hướng cho việc phát triển hệ thống, chia nhau giải quyết các phần việc với mốc thời gian đặt ra. Cuối cùng, sau 2 năm "ăn ngủ" cùng dự án, Hệ thống tính cước theo thời gian thực đầu tiên của Việt Nam - phiên bản vOCS 1.0 đã thành hình và được vận hành tại một thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel. Rồi nhóm đã thuyết phục được "công ty mẹ" Viettel chuyển 8 triệu đầu số sang sử dụng hệ thống vOCS (năm 2015), rồi tham gia đấu thầu dự án vOCS tại Viettel Cameroon (mạng Nexttel).

Tuy nhiên, khi ra thị trường quốc tế, nhóm đã thất bại khi thua thầu tại thị trường Cameroon; không lâu sau đó, cũng mất luôn thị trường 8 triệu số trong nước từ chính "những người Viettel khó tính". "Lúc đó buồn và hoang mang lắm... nhưng rồi lại tự đặt câu hỏi, người Viettel chưa muốn dùng sản phẩm của chính người Viettel thiết kế là hẳn phải có lý do và cách tốt nhất là phải thay đổi, nâng cấp nó...", Trần Văn Thuyết nhớ lại.

Ghi tên lên bản đồ công nghệ thế giới

Không chấp nhận thua cuộc, Trần Văn Thuyết và nhóm vOCS ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. Cùng với đó, đội dự án có thêm nhiều thành viên mới gia nhập, trong đó có đến 80% kỹ sư công nghệ ở độ tuổi 9x, thậm chí một số thành viên vừa mới tốt nghiệp đại học.

Hồi tưởng những ngày "vượt lên thất bại", Phó Giám đốc Trung tâm OCS Phạm Tuấn Anh cho biết, trung tâm có những định hướng bước ngoặt trong phát triển phiên bản vOCS 3.0. Những tân binh tuổi 9x được yêu cầu không đọc tài liệu cũ mà chỉ nghiên cứu tài liệu mới. Vì nếu cứ đi vào lối mòn thì chỉ có thể làm được sản phẩm tốt hơn cái

cũ chứ không thể có đột phá và tạo ra thay đổi lớn. Kết quả, tháng 4-2017, Hệ thống tính cước theo thời gian thực - vOCS phiên bản 3.0 chính thức hoàn thiện sau khi trải qua những lần kiểm tra khắt khe bởi chính "những người Viettel khó tính". Đến ngày 1-6-2017, Tập đoàn Viettel đã chính thức tuyên bố triển khai thành công Hệ thống tính cước thời gian thực - vOCS cung cấp cho 90 triệu thuê bao. Đồng thời ghi tên Viettel lên bản đồ công nghệ thế giới, đưa Viettel trở thành một trong 20 nhà mạng duy nhất làm chủ được hệ thống này.

Theo Kỹ sư trưởng Trần Văn Thuyết, với tên gọi đơn giản "hệ thống tính cước" nhưng đây thực sự là trái tim của hệ thống viễn thông. Nhờ có các dữ liệu ấy, việc tính cước mới có thể thực hiện chính xác và tức thời. Tầm quan trọng và độ khó như vậy đã phần nào lý giải thực tế, dù trên thế giới có rất nhiều nhà khai thác viễn thông, nhưng chỉ có khoảng 20 nhà cung cấp phần mềm về hệ thống tính cước. Và trong số này, thị phần chủ yếu thuộc 3 tập đoàn lớn như Amdocs, Ericsson, Huawei... Việc một hệ thống lõi, quan trọng bậc nhất trong hạ tầng phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác sẽ có những điểm bất lợi lớn. Ngoài nguy cơ về an toàn thông tin, việc thay đổi hệ thống tính cước cho phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dùng Việt Nam cũng như thay đổi chính sách kinh doanh, thiết kế gói cước mới… thường rất chậm. Do vậy, vOCS phiên bản 3.0 hoàn thiện phần nào đã giải quyết được các vấn đề này.

Sát cánh cùng các cộng sự, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm OCS nhớ lại, khi nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đơn vị mong muốn sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp nhà mạng thiết kế cho mỗi người dùng di động ở Việt Nam có một gói cước riêng. Với sản phẩm vOCS 3.0, Viettel đã có thể giải quyết bài toán chia sẻ tài khoản trong gia đình. Người dùng không cần mua thẻ nạp cho từng tài khoản mà tất cả dịch vụ viễn thông được tính chung trong 1 tài khoản và chỉ cần trả tiền 1 lần. Nhưng quan trọng hơn, toàn bộ chính sách, chiến lược kinh doanh sẽ được triển khai nhanh hơn trước rất nhiều do Viettel đã làm chủ hoàn toàn hệ thống tính cước.

"Tính ưu việt nhất của vOCS 3.0 là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước, từ đó mở ra cơ hội ứng dụng vOCS 3.0 ra nhiều nước trên thế giới. Điều đặc biệt mà tôi muốn nhấn mạnh là việc kỹ sư Viettel tự thiết kế và đưa vào sử dụng hệ thống đến nay đã tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí đầu tư so với mua sản phẩm của nước ngoài...", Phó Giám đốc Trung tâm OCS nhấn mạnh.

Năm 2017, sản phẩm v.OCS 3.0 do Trần Văn Thuyết cùng các đồng nghiệp Viettel phát triển đã được trao giải Bạc giải thưởng Công nghệ thông tin thế giới (do tổ chức Network Product Guide - Mỹ trao); năm 2018 giành giải Vàng giải thưởng Kinh doanh quốc tế do tổ chức Stevie Award bình chọn. Hiện nay, sản phẩm được đưa vào sử dụng tại 11 thị trường mà Viettel đang cung cấp, phục vụ 170 triệu thuê bao di động. Cá nhân Kỹ sư trưởng Trần Văn Thuyết cũng được tặng nhiều giải thưởng và năm 2018 anh được bình chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người làm nên "trái tim của nhà mạng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.