(HNMO) - Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm nay (18-5), giới khoa học thành phố Hồ Chí Minh như vui hơn vì thành phố có hai nhà khoa học tiêu biểu, được vinh danh với những công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.
“Tôi chỉ mong mỗi ngày có hơn 24 giờ”
Đó là một trong những “ước muốn” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Vương Thị Ngọc Lan (sinh năm 1971, công tác tại Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh), người đã cùng đồng nghiệp được vinh danh với công trình về "chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân thụ tinh nhân tạo", được tạp chí ngành y hàng đầu thế giới The New England Journal of Medicine (NEJM) công bố.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: “Công trình nghiên cứu của chúng tôi là công trình đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang”.
Với kết quả này, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan trở thành nhà khoa học nữ thứ hai nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu, sau PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương).
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan lâu nay được biết đến là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Bà đã giúp cho ra đời hơn 10.000 đứa trẻ bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, từ những bước đi ban đầu trong thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam năm 1997.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nhớ lại, thời gian đầu thực hiện kỹ thuật này, tỷ lệ thành công thấp và chỉ thực hiện được kỹ thuật cơ bản nhất. Trong khi đó, nhu cầu và mong đợi của bệnh nhân thì lớn. Từ thực tế này, nhiều năm qua, bà và các cộng sự quyết tâm nghiên cứu để tăng cơ hội thành công trong điều trị, thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị khác nhau nhằm giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân.
Riêng với công trình đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, nhóm nghiên cứu đã trải qua hành trình dài hơn 3 năm từ khi thai nghén ý tưởng nghiên cứu, triển khai.
Sau 17 lần chỉnh sửa bản thảo nội bộ, 5 lần chỉnh sửa với biên tập của tạp chí NEJM, công trình nghiên cứu mới được đăng tải vào tháng 1-2018. Sự kiện này đánh dấu thành tựu y khoa Việt Nam lên bản đồ thụ tinh nhân tạo của thế giới một cách ngoạn mục.
Với nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học, nổi bật trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan vinh dự nhận được nhiều danh hiệu cao quý: Giải thưởng Kovalevskaya 1998 (tập thể) về công trình thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước 2005 (tập thể); Bằng khen của Bộ Y tế về nghiên cứu khoa học năm 2018; là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes bình chọn.
“Quản lý thời gian là một kỹ năng cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt việc nghiên cứu, giảng dạy và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Tôi không thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ ấy, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các đồng nghiệp và gia đình. Tôi thật sự biết ơn về điều đó”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.
“Tôi nhận lại và cho đi những gì mình đã học”
Sau nhiều năm “vắng bóng”, Giải trẻ của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay được trao cho Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu (sinh năm 1985), là tác giả duy nhất của nghiên cứu “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” được đăng trên tạp chí uy tín Applied Physics Letters.
Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu hiện đang tham gia giảng dạy cho nghiên cứu sinh của Viện Khoa học tính toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Là một người đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Khánh Hòa, Nguyễn Trương Thanh Hiếu chọn học lớp cử nhân tài năng của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Sau một học kỳ tại đây, anh nhận được học bổng đi học tại Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Volgograd (Nga). Anh bắt đầu theo học tại trường đại học này từ năm 2005 rồi lấy bằng Cử nhân (2009), Thạc sĩ (2011) và Tiến sĩ Vật lý (2015).
Ngay khi còn là sinh viên theo học tại Nga, Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã gặt hái cho mình nhiều thành tích trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học như: Giải Ba Hội nghị các nhà nghiên cứu trẻ khu vực Volgograd (2008), giải Nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Volgograd (2009), giải Nhất (Poster, Vật lý) Hội nghị quốc tế các nhà khoa học trẻ “Lomonosov 2013” (2013).
Năm 2015, Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu trở về nước, tiếp tục niềm đam mê vật lý của mình. Chỉ sau đó một năm, vào tháng 1-2016, công trình nghiên cứu của anh về “Quãng đường tự do trung bình của điện tử năng lượng thấp trong vật liệu” đã được đăng trên tạp chí uy tín Applied Physics Letters và được các nhà khoa học trên thế giới dẫn lại nhiều lần.
Đây là đề tài rất rộng và chưa có quá nhiều người tìm ra hướng giải quyết triệt để. Lâu nay, bài toán có độ bất định lớn và các phương pháp tính toán hiện tại còn chưa cho phép mang đến kết quả chính xác. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã xác định được bằng cách tính hàm mất năng lượng bằng lý thuyết phiếm hàm mật độ phụ thuộc thời gian, đây là một phương pháp có độ chính xác cao.
Từ lý thuyết, anh tiến hành chứng minh phương pháp của mình trên 10 loại chất rắn khác nhau. Kết quả không chỉ thuyết phục được hội đồng xét duyệt của tạp chí, mà còn được giới khoa học quốc tế chấp nhận, qua việc có đến 12 trích dẫn trong nghiên cứu này được dùng ở nhiều tạp chí uy tín thế giới khác.
Ở tuổi 35, Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu đã có 16 bài báo quốc tế. Anh bày tỏ: “Tôi là người đi sau, nhận kiến thức từ những người đi trước, nếu đã nhận thì cũng phải biết cho đi, nên tôi chọn cách cho qua việc đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành. Rộng hơn nữa là thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ nói riêng và xã hội nói chung”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.