Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người góp phần hồi sinh vùng đất "chết"

Nguyên Minh - Nguyên Hoa| 03/04/2013 06:11

(HNM) - Cùng với việc mở những con đường chiến lược phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, bộ đội công binh luôn có mặt trên mọi nẻo đường còn sót bom mìn, vật nổ để mang lại màu xanh cho đất, bình yên cho nhân dân.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bomicen) chia sẻ: “Tôi đã được chứng kiến một buổi tiêm chủng mở rộng ở Cam Lộ (Quảng Trị) khi ba cháu nhỏ hồn nhiên chạy nhảy trên bãi cỏ, bỗng một tiếng nổ chói tai vang lên. Một trong ba cháu đạp phải một đầu đạn nằm dưới cỏ, cả ba cháu tử vong. Sau tiếng nổ, một cháu còn cố gọi "mẹ ơi" trước khi tắt thở. Tiếng kêu đau đớn tột cùng của cháu bé làm tôi day dứt mãi không thôi. Mỗi lần nghĩ đến, nước mắt lại ứa ra và tôi thầm nghĩ mình và đồng đội phải hành động bởi chậm một phút, một giây là biết bao gia đình phải chịu nỗi đau như thế nữa".

Quả bom lớn nhất Đông Dương được xử lý thành công tại Gia Lai.


Không riêng Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, tất cả những người lính đang trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá BMVN ở Bomicen đã đối diện với những nỗi đau ấy hằng ngày, hằng tháng trên mỗi nẻo đường làm nhiệm vụ. Cũng chính bởi chứng kiến hình ảnh thương tâm đó mà các anh đã không quản ngại khó khăn vất vả, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để hồi sinh cho những vùng đất "chết". Đã có lúc, những người lính Bomicen phải xử lý 250 chùm bom phốt pho - là loại bom cháy rất nguy hiểm do Mỹ để lại; có khi, họ phải đến khắc phục hậu quả tại một kho bom đạn sau chiến tranh vừa lộ ra, đã nổ nhưng... chưa hết. Lại có nhiều lần, họ đến những vùng ven sân bay, vùng nằm giữa hàng rào điện tử McNamara để lại, bom đạn xuất hiện đầy trong cỏ cây, bờ bụi. Đó thực sự là những cuộc đối mặt với tử thần.

Trung úy Bùi Văn Hòe, một trong những người tham gia tháo gỡ quả bom lớn nhất Đông Dương do Mỹ để lại được phát hiện tại xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nhớ lại: "Sáu anh em sau một ngày lội rừng mới vào tới nơi, ai cũng kinh ngạc vì chưa bao giờ nhìn thấy quả bom lớn thế. Nó nặng hơn 5 tấn, có đường kính 1,17m, thân bom dài 3,1m, vỏ bom vẫn còn xanh thẫm và có tới hai ngòi nổ, ngòi nổ chậm ở đầu và ngòi nổ quán tính ở phía đuôi. Nếu kích nổ, dư chấn và sóng xung kích sẽ ảnh hưởng tất cả các công trình xây dựng ở tận... Pleiku và mảnh bom có thể văng xa 10km". Sau này, đọc tài liệu của Mỹ, các anh mới biết, quả bom ấy nếu phát nổ sẽ san phẳng một quả đồi và tạo ra một hố có đường kính 300m. Phải mất tới 20 ngày, các chiến sĩ công binh mới xử lý xong quả bom và chỉ riêng việc vận chuyển thuốc nổ tháo từ bom, cơ quan quân sự huyện Ia Grai đã huy động 264 lượt CBCS vận chuyển trong vòng 11 ngày. Năm 2006, các chiến sĩ Bomicen lại tiếp tục "chạm trán" quả bom tương tự thứ hai ở huyện An Lão, Bình Định nhưng với kinh nghiệm đã có, các anh đã xử lý nhanh gọn trong 6 ngày…

Hơn 30 năm sau chiến tranh, ở Việt Nam đã có hơn 100.000 người tử vong và bị thương do hậu quả bom mìn. Phần lớn nạn nhân là trẻ em và lao động chính trong gia đình. Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh cho biết: "Trang, thiết bị xử lý bom mìn rất thiếu, việc dò tìm, xử lý, tháo gỡ bom đạn chủ yếu thực hiện ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, địa bàn phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Song với tinh thần "khó khăn nào cũng vượt qua", CBCS trong đơn vị quyết tâm thực hiện công việc một cách tỉ mẩn và không cho phép để xảy ra sai sót, dù chỉ một lần".

Thống kê trên toàn quốc đến nay cho thấy, mới có 3,28% diện tích đất đai có BMVN được dọn sạch. Hiện còn khoảng 6,6 triệu héc ta đất còn sót BMVN, tức là còn khoảng 20% diện tích cần được rà phá. Trước thực trạng ấy, năm 2010, CBCS Bomicen đã xây dựng "Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam" được Chính phủ phê duyệt và đi vào hoạt động. Ngoài ra, trên những công trình trọng điểm quốc gia như đường Hồ Chí Minh, hệ thống đường dây 500 KV, cảng luồng sông Hải Phòng, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nghi Sơn, Vũng Áng, đường ống dẫn khí ngoài khơi PM3 Cà Mau, cùng hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế trên mọi miền Tổ quốc đều in dấu chân người lính Bomicen. Diện tích đất được các anh làm sạch bom mìn lên tới hàng nghìn héc ta mỗi năm. Hiện nay, nước ta đang thực hiện điều tra, lập bản đồ bom mìn trên toàn quốc. Năm 2012, đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ tại 49/63 tỉnh, thành và đã xây dựng được các đề án, dự án rà phá bom mìn, nâng cấp một số trạm y tế xã và trung tâm y tế khu vực. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 14 nghìn tỷ đồng (tương đương 700 triệu USD) để khắc phục hậu quả bom mìn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với những người lính công binh hôm nay, các anh lại đang có mặt tại những công trình trọng điểm quốc gia trước ngày khởi công, điểm xây dựng tái định cư mới của đồng bào các dân tộc và tại vùng rừng núi xa xôi, hiểm trở để âm thầm, bền bỉ làm nhiệm vụ. Và với 20% diện tích đất vẫn còn "ô nhiễm" bom mìn thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm đang chờ đợi họ ở phía trước.

"Hiện chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá, còn khoảng 600 nghìn tấn bom, mìn đang nằm sâu trong lòng đất. Bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm 66.000km2 đất đai, làm hàng nghìn người chết và bị thương. Để làm sạch hết bom, mìn, nước ta cần hơn 10 tỷ USD". Đó là những con số được đưa ra tại buổi tọa đàm báo chí nhân Ngày thế giới phòng chống bom, mìn do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 2-4, tại Hà Nội.

Quỳnh Anh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người góp phần hồi sinh vùng đất "chết"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.