(HNMCT) - Sơn La là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đa phần là người Kinh, Thái, Mông... Cho đến nay, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ gìn những nghề thủ công truyền thống chứa đựng tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.
Nghề dệt thổ cẩm
Thổ cẩm là sản phẩm thủ công truyền thống tinh xảo của người Thái ở bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu) hay các xã Chiềng Đông, Chiềng Hặc (huyện Yên Châu). Với bàn tay khéo léo và sự cần cù, người phụ nữ Thái có thể dệt nên những sản phẩm thổ cẩm hoa văn tinh tế, rực rỡ sắc màu với nhiều mẫu mã và hình thức phong phú như: Khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa, khăn trải bàn... Tất cả phù hợp cho du khách dùng làm quà tặng.
Nghề rèn
Nghề rèn là một trong những nghề thủ công truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái, Mông ở Sơn La. Nghề rèn gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của người dân nơi đây bởi nó tạo ra các công cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt như: Dao, cuốc, thuổng, hái, rìu... Ngoài ra, sản phẩm của nghề rèn còn mang ý nghĩa tâm linh khi được dùng trong việc cúng tế, đuổi tà ma theo phong tục của đồng bào nơi đây.
Nghề làm gốm
Nghề làm gốm của người Thái ở xã Mường Chanh (huyện Mai Sơn) từ lâu nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Gốm Mường Chanh được tạo nên từ loại đất tốt, dẻo, là loại đất sét pha cao lanh rất phù hợp với việc tạo hình. Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, những sản phẩm thủ công như: Chum, vại, hũ, lọ và các loại đồ chơi trẻ em được hình thành với nhiều mẫu mã, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con. Gốm Mường Chanh nhẵn bóng, có khắc hoa văn chìm hoặc nổi, khó vỡ, ít rò rỉ nên thường được dùng để ủ rượu, làm mắm, đựng măng chua..., cho hương vị thơm ngon đặc biệt.
Nghề nhuộm chàm
Nghề nhuộm chàm là nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái ở Sơn La. Để tạo ra được sản phẩm đẹp, ngoài sự khéo tay thì người thợ cần phải kiên trì và nhiều kinh nghiệm. Quy trình làm ra tấm vải chàm đạt chất lượng gồm có các công đoạn: Làm nước chàm, đập vải, nhuộm chàm, phơi nắng, ngâm bùn, ngâm nước vỏ cây dẻ... Nhuộm chàm đòi hỏi sự cầu kỳ, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là cả mẻ chàm bị hỏng. Phụ nữ dân tộc Thái thường kiêng nhuộm chàm vào những ngày pạt tông (ngày giỗ), phụ nữ sau sinh không được nhuộm và nhìn vào chum chàm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.