Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những mong ước của trẻ khiếm thị

Minh Vũ| 30/08/2022 07:10

(HNM) - Dù luôn nhận được sự quân tâm, trợ giúp từ nhiều phía, song trẻ em khiếm thị hiện còn gặp những khó khăn nhất định trên bước đường học tập, hòa nhập xã hội. Thông qua diễn đàn “Trẻ em khiếm thị Việt Nam” lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, trẻ em khiếm thị gửi gắm nhiều mong ước trước thềm năm học mới 2022-2023.

Học sinh khiếm thị phát biểu ý kiến tại diễn đàn “Trẻ em khiếm thị Việt Nam”.

Nhằm tạo không gian để trẻ em khiếm thị nói lên tiếng nói, mong muốn, nguyện vọng của bản thân, lần đầu tiên Hội Người mù Việt Nam tổ chức diễn đàn “Trẻ em khiếm thị Việt Nam”. Tại đây, 60 trẻ em khiếm thị đạt thành tích xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, hoạt động, đại diện cho trẻ em khiếm thị trên toàn quốc đã phản ánh nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập của người khiếm thị. Trong đó, việc học tập, hướng nghiệp thế nào cho hiệu quả là thông điệp được nhiều trẻ em khiếm thị gửi tới đại diện các cơ quan chức năng, cộng đồng.

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (quận Thanh Xuân) phản ánh: “Hiện nay, học sinh khiếm thị thiếu sách giáo khoa, sách bổ trợ bằng chữ nổi, bản word, file âm thanh, chữ phóng to cho học sinh nhìn kém. Đặc biệt, sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo chương trình mới vẫn chưa được in bằng chữ nổi hoặc chuyển sang định dạng dễ tiếp cận. Điều này khiến học sinh khiếm thị và gia đình lo lắng khi năm học mới 2022-2023 cận kề”.

Cũng đến từ Hà Nội, em Tô Nhật Hà, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) nói: “Bản thân em may mắn được học trong môi trường giáo dục hòa nhập bảo đảm chất lượng. Còn trên thực tế, nhiều bạn đồng cảnh với em đang gặp khó khăn trong quá trình học tập do nhà trường thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên có đủ phương pháp, kỹ năng, phương tiện để giảng dạy cho học sinh khiếm thị”.

Ngoài ra, không ít ý kiến bày tỏ, vì lo lắng cho các em không đủ khả năng tự chăm sóc bản thân, nên nhiều phụ huynh không muốn cho các em đi học xa nhà, tại những trường chuyên biệt. Điều đáng quan tâm hơn, công tác hướng nghiệp giúp học sinh khiếm thị bậc trung học cơ sở nhận ra con đường nào là phù hợp với khả năng của các em cũng chưa được nhiều gia đình và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Theo Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh, những vấn đề nêu trên là rào cản trên bước đường học tập, hòa nhập của trẻ em khiếm thị. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm quan tâm gỡ vướng, tạo thuận lợi cho trẻ em khiếm thị vượt lên hoàn cảnh, nuôi dưỡng những ước mơ tươi đẹp cho tương lai..

Liên quan đến nội dung này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Đức Minh cho hay, đơn vị hiện được giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch mạng lưới giáo dục chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên toàn quốc. Dự kiến, trong tương lai gần, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất một trung tâm giáo dục hòa nhập. Chương trình giảng dạy tại các bậc học cũng có nội dung dành cho học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, giáo viên có khả năng giảng dạy cho nhóm học sinh đặc biệt này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…

Tạo cơ hội rộng mở cho trẻ em khiếm thị học tập, hòa nhập, ông Nguyễn Đức Minh kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung kinh phí từ ngân sách, cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ chuyển đổi sách giáo khoa, tài liệu học tập cho học sinh khiếm thị.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, làm căn cứ để các bên dễ dàng triển khai. Còn dưới góc độ gia đình, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh mong muốn các bậc phụ huynh thường xuyên trao đổi để biết rõ khả năng, nguyện vọng của con em, từ đó tạo điều kiện tối đa cho trẻ em khiếm thị học tập, hướng nghiệp.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em khiếm thị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật nói chung, trẻ em khiếm thị nói riêng là nhiệm vụ ưu tiên của các cấp, ngành chức năng. Vì thế, các bên liên quan cần thực hiện tốt hơn Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030…, tạo điều kiện giúp trẻ em khuyết tật được can thiệp sớm, phục hồi chức năng, giáo dục, phát triển toàn diện và hòa nhập cộng đồng xã hội.

Qua những ý kiến nêu trên càng thấy rõ, mong ước của trẻ em khiếm thị trước thềm năm học mới nhận được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều phía. Hy vọng, các bên cùng chung tay trợ giúp, góp phần đưa mong ước của các em thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mong ước của trẻ khiếm thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.