Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những loại nước nào cần thiết giải độc rượu cho cơ thể

Theo Thuỳ Giang (Vietnam+)| 09/02/2018 20:45

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) và một số bệnh viện tại Hà Nội, trước và sau Tết là thời điểm bệnh nhân ngộ độc rượu tăng cao.

Chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Những tuần gần đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, điều trị có nguyên nhân liên quan đến rượu, thậm chí đã có trường hợp tử vong, suy gan, suy đa tạng sau uống rượu.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến: Phòng và kiểm soát ngộ độc rượu ngày Tết, do Báo Thanh niên tổ chức chiều 9-2 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn chi tiết người dân về sử dụng rượu bia và cách giải rượu, giải độc cho cơ thể sau khi uống rượu.

Có ý kiến hỏi chuyên gia, khi say rượu do uống nhiều, nếu dùng nước chanh, nước bột sắn uống thì có thể giải rượu, giải độc cho cơ thể?

Về vấn đề này, bác sỹ Lê Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, say rượu có nhiều mức độ, tuy nhiên khi bệnh nhân còn tỉnh, có thể tự phục vụ bản thân như tự uống, tự ăn thì bệnh nhân có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước gạo rang, nước có đường... Việc bù nước và các chất điện giải, đường và các loại vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) là cần thiết cho giải độc rượu.

Vì vậy, uống bột sắn, nước chanh pha đường... là phù hợp để giải độc cho người say rượu ở mức độ còn tỉnh.

“Tuy nhiên, với người say rượu nặng, có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn... thì không nên tự cho bệnh nhân uống, vì có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sặc chất nôn, thức ăn vào phổi... Trong trường hợp này, việc cần làm là gọi ngay nhân viên và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng,” bác sỹ Thuận phân tích.

Số trường hợp ngộ độc rượu trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 đến nay.



Tại buổi giao lưu, bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, theo thống kê, cả năm 2017 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 40 bệnh nhân ngộ độc rượu Methanol tại 12 quận, huyện (năm 2017 có 38 trường hợp, từ đầu năm 2018 đến nay có 2 trường hợp).

Hiện tại, 28 bệnh nhân đã ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện, tử vong tại nhà, không rõ nguyên nhân chính tử vong.

Theo bà Hà, đa số bệnh nhân không nhớ đã uống gì, ở đâu; người nhà nghi uống rượu, uống ở các địa chỉ khác nhau, rượu không rõ nguồn gốc và không có nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Đa số bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, hay uống rượu.

Các bác sỹ khuyến cáo, sử dụng quá mức rượu bia do liên hoan cuối năm làm tăng nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt là gan sẽ bị quá tải, giảm khả năng thải lọc các chất gây độc, khiến cơ thể cũng bị tồn đọng hóa chất, bị nhiễm độc.

Theo bác sỹ Thuận, bia, rượu nói chung có hại nhiều hơn có lợi. Dù bia hay rượu với nồng độ, hương vị là gì thì bản chất vẫn là ethanol. Do vậy nếu, bia hay rượu vang uống quá nhiều đều gây hại cho gan và toàn bộ cơ thể.

“Trên thế giới, mỗi nước khác nhau có khuyến cáo cho phép uống bia rượu với tổng lượng khác nhau, nhìn chung dao động từ 10-40g/ngày. Theo tôi, chúng ta nên uống ở mức phù hợp với từng thể trạng của mỗi người và tuyệt đối không được lạm dụng. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính (xơ gan, đái tháo đường, cao huyết áp...), phụ nữ có thai, trẻ em, lái xe... thì không được uống,” bác sỹ Thuận nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những loại nước nào cần thiết giải độc rượu cho cơ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.