Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những "lá phổi" của Hà Nội nhìn từ trên cao

Theo VnExpress| 15/04/2017 08:26

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng hồ nước ở Hà Nội giảm nhanh cả về số lượng và diện tích trong những năm qua.


Hà Nội là vùng đất có hệ thống ao hồ dày đặc. Trong một bản đồ năm 1885, nơi đây làng mạc còn khá sơ sài, hệ thống ao hồ nhiều và nhìn thấy rõ. Hiện, Hà Nội mang hình hài của một đô thị phát triển mạnh mẽ khi nhà cửa, công trình mọc lên dày đặc, trong đó các hồ nước được ví như những "lá phổi" điều hoà và thanh lọc không khí.

Qua thời gian, số lượng hồ cũng như diện tích một số hồ giảm xuống nhiều. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, trong 5 năm (2010 – 2015), có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn để lấy đất xây công trình và 7 hồ mới được bổ sung.


Hồ Gươm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội, là hồ duy nhất của quận Hoàn Kiếm. Hồ rộng 12 ha, thuộc diện di tích quốc gia đặc biệt nên được thành phố quản lý chặt chẽ, không có hiện tượng lấn chiếm, xâm hại.


Hồ Tây là hồ tự nhiên lớn nhất của thành phố, điều hòa cho cả một vùng nội thành rộng lớn. Năm 1993, diện tích Hồ Tây rộng 526 ha giảm xuống còn 516 ha vào năm 2001. Tháng 10-2016, nước thải và thời tiết thay đổi khiến hàng tấn cá hồ Tây chết trắng.


Hồ Quảng Bá (quận Tây Hồ) nằm gần Hồ Tây. Năm 2010, diện tích hồ rộng 6,2 ha nhưng bị giảm xuống chỉ còn khoảng 3 ha vào năm 2015.|

Hồ Quảng Bá cùng với hồ Tây, hồ Đầm Trị tạo thành hệ thống hồ lớn của quận Tây Hồ. Đây cũng là quận có diện tích mặt nước lớn nhất, chiếm 79% tổng diện tích mặt nước thành phố. Từ 2010 - 2015, tổng diện tích mặt nước quận Tây Hồ giảm hơn 28.000 m2, từ 5,519 triệu m2 xuống còn 5,49 triệu m2.


Hồ Bảy Mẫu (quận Hai Bà Trưng) rộng hơn 21 ha, nằm trong công viên Thống Nhất. Giữa hồ có hai đảo Thống nhất và Hòa Bình. Nằm cạnh hồ Bảy Mẫu là hồ Ba Mẫu, được ngăn cách bởi đường Lê Duẩn.


Hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) rộng 4,3 ha thuộc hệ thống ao hồ tự nhiên, liên thông với hồ Bảy Mẫu, tạo cảnh quan và điều hòa nước trong khu vực.

Năm 2010, Ba Mẫu nằm trong nhóm hồ bị ô nhiễm nặng của thành phố do tiếp nhận nước thải qua 10 cống lớn và các hàng quán quanh hồ. Đến năm 2015, nhờ cải tạo mà mức độ ô nhiễm giảm dần nhưng nước hồ vẫn bị ô nhiễm hữu cơ và có sự phát triển của tảo. 


Hồ Hoàng Cầu (hồ Đống Đa) rộng 13,5 ha là hồ rộng nhất của quận Đống Đa. Tháng 6-2016, nhiều cá chết nổi trắng mặt nước hồ Hoàng Cầu. Hà Nội sau đó phải chỉ đạo bơm ôxi, sục nước để cứu cá trong hồ. Theo một số chuyên gia, cá ở hồ Hoàng Cầu chết có thể do ô nhiễm khí độc sinh ra sau cơn mưa lớn bởi rác thải và chất thải từ cống chảy vào hồ.


Hồ Giảng Võ (quận Ba Đình) rộng 6,8 ha, thuộc nhóm hồ có cảnh quan đẹp, nhiều bóng mát cây xanh. Trước đây, hồ Giảng Võ rất sạch và nhiều cua cá. Động vật sống trong hồ giờ chủ yếu là cá, ốc được phóng sinh, không có thực vật thủy sinh.


Hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) rộng 3,58 ha, có chức năng tạo cảnh quan và tiếp nhận nước mưa trong khu vực. Nhìn từ trên cao, hồ bị "vây" bởi nhiều tòa nhà cao tầng. Tháng 6-2015, hồ Ngọc Khánh được cải tạo nhằm cải thiện cảnh quan, môi trường song một thời gian dài, hồ bốc mùi hôi nồng nặc do tảo lục phát triển.


Hồ Thành Công nằm trong công viên Indira-Gandhi, chính giữa hồ có đài phun nước. Hồ rộng 5 ha, diện tích lớn thứ tư ở quận Ba Đình sau các hồ Trúc Bạch, Giảng Võ và Thủ Lệ.

Cách đây ít ngày, chủ đầu tư cải tạo khu chung cư cũ Thành Công đề xuất lấp 1 ha hồ để xây nhà tái định cư, phần diện tích bị lấp sẽ được đào hoàn trả về phía Bắc trong mặt hồ.


Hồ Thủ Lệ (quận Đống Đa) thuộc nhóm hồ đẹp nhất Hà Nội, nằm trong công viên Thủ Lệ, có đường Kim Mã, Nguyễn Văn Ngọc bao quanh. Hồ còn có tên khác là Linh Lang, gọi theo tên vị thần trấn Tây của kinh thành Thăng Long xưa được thờ trong đền Voi Phục.

Năm 1995, hồ Thủ Lệ có diện tích khoảng 9,9 ha nay chỉ còn 6,85 ha. Hồ được kè đá toàn bộ, có nhiều động vật thủy sinh như cá vàng, rô phi, tép và một số thực vật ven bờ như dương sỉ, rong rêu.


Các hồ Quang Trung (rộng 1,1 ha), Quỳnh (rộng 0,7 ha) nằm gần hồ Thanh Nhàn (rộng 7,6 ha) giúp điều hòa cảnh quan, không khí cho nơi có mật độ dân cư lớn như quận Hai Bà Trưng.

Các hồ lớn, nhỏ đều có vai trò điều hòa hệ thống thoát nước mưa của thành phố có địa hình bằng phẳng như Hà Nội, góp phần cải thiện khí hậu, tạo không gian thoáng đãng cho phố phường, hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt và trở thành một phần bản sắc đô thị của Hà Nội. Song hiện nay, các hồ ở Hà Nội chịu sức ép lớn từ sự xâm lấn cũng như việc tiếp nhận nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "lá phổi" của Hà Nội nhìn từ trên cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.