(HNM) - Đã ở tuổi
Ký ức không thể nguôi quên
Buổi gặp mặt các chiến sĩ năm xưa được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức giữa những ngày thu Tháng 10 chứa chan nhiều cảm xúc. Những người lính già đầu bạc, lứa thanh thiếu niên Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước đã quên mình làm nên Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" gặp nhau tay trong tay, hát vang những bài ca rực lửa cách mạng.
Các chiến sĩ năm xưa tại buổi gặp mặt. Ảnh: Viết Thành |
Dù đã bước sang tuổi 91 nhưng Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, người chiến sĩ Vệ quốc đoàn năm xưa, nay ở phố Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm vẫn cất giọng hào hứng khi kể về những ngày gian khó, hào hùng khi cùng đồng đội đã giam chân địch trong lòng Hà Nội. Ông nói: "Ký ức về những trận đánh giằng co từng dãy nhà, từng góc phố vẫn in đậm trong trái tim tôi. Khi ấy, địch tràn vào phố, chúng tôi khoét tường nhà này để chui sang nhà kia. Nếu chúng vào nhà thì chúng tôi lên gác xép và rút thang, cắt dây rồi thả lựu đạn xuống… Chúng tôi chiến đấu với tinh thần quyết tử để giữ Thủ đô. Vì thế, địch không thể chiếm được phố cổ mà chỉ chiếm được chợ Đồng Xuân. Đến ngày 17-2-1947 theo lệnh trên, chúng tôi rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Ai cũng có cảm giác nuối tiếc vì không được bám trụ, chiến đấu trong lòng Thủ đô yêu dấu nữa...".
Với Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn 478, người được về tiếp quản Thủ đô 60 năm trước lại mang tâm trạng khác. Ông kể, đó là cảm giác phấn khởi, hồi hộp đến khó tả. Đúng ngày 10-10-1954, khi đoàn quân tiến về Hà Nội rợp trời cờ hoa. Với khí thế của người chiến thắng, tiến vào qua các cửa ô, những người lính chúng tôi từ rừng sâu trở về đồng bằng cảm nhận rõ niềm hân hoan của người dân Hà Nội. Khắp các nẻo đường nơi đoàn quân đi qua là những ánh mắt chứa chan niềm tin yêu là tình cảm của đồng bào mình dành tặng Bộ đội Cụ Hồ. Trong đội hình hôm đó có Trung đoàn Thủ đô - Trung đoàn 102 đã chiến đấu trong 60 ngày đêm cầm chân quân địch để cả nước bước vào kháng chiến trường kỳ". Rồi ông Tiên kể, những lớp người như ông được sự phân công của Đảng hăng hái lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc và dù ở nơi đâu trong ông cũng vẹn nguyên một tình yêu Hà Nội. Ông tâm sự: "Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hà Nội là biểu trưng về tinh thần yêu nước, anh dũng kiên cường. Sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã đổi mới, đạt được nhiều thành tựu. Đời sống người dân được nâng cao, thành phố được xây dựng ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn. Thế hệ chúng tôi mừng lắm. Với tư cách là một đảng viên, công dân Thủ đô, cựu chiến binh, tôi xin nguyện sống xứng đáng với lòng tin của Đảng và nhân dân".
Cựu TNXP Nguyễn Tiến Thụ (SN 1934, công dân phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) bồi hồi nhớ lại kỷ niệm được tham gia phục vụ bộ đội trong những trận đánh ác liệt năm xưa trên các nẻo đường Hà Nội trước khi Trung đoàn Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch 2 tháng để rút lên Việt Bắc. Bản thân ông cũng đã bị chôn sống, thoát chết 4 lần. Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Chứng kiến những đổi thay của Thủ đô, ông Thụ bày tỏ: "Hà Nội còn nhiều khó khăn nhưng Thủ đô đang thay da đổi thịt từng ngày. Thế hệ trẻ năm xưa với lòng quả cảm đã đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nay các bạn trẻ Thủ đô được học tập và đào tạo đầy đủ chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước".
Vẹn nguyên hào khí Thăng Long
Sau mùa đông lịch sử năm 1946, những người lính Vệ quốc đoàn biên chế trong Trung đoàn Thủ đô mà hầu hết là những thanh niên Hà Nội hành quân lên chiến khu. Được sự phân công của Đảng, theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông họ chia làm nhiều nhóm đi Nam tiến, Tây tiến, lên Phúc Yên, ra Hải Phòng… Nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành, bước vào giai đoạn cách mạng mới, nhiều người con của Hà Nội đã trở thành hạt nhân quan trọng của quân đội ta.
Trong đoàn quân trùng trùng, điệp điệp năm nào, có một người con Hà Nội là Thiếu tướng Phạm Văn Phố, nay đã 82 tuổi. Hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của người lính Tiểu đoàn 36, Đại đoàn 308 như bao lớp trai cùng thời, Thiếu tướng Phạm Văn Phố lặng lẽ xa Hà Nội với bao tình cảm mến yêu để lên đường vào Nam. Hơn nửa đời người chiến đấu, gắn bó với mảnh đất nắng gió như quê hương thứ hai của mình nhưng không lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ Hà Nội. Chiến tranh ác liệt và mỗi khi im tiếng súng ông dành thời gian viết vội những lá thư. Ký ức Hà Nội lúc nào cũng luôn đầy ắp trong lòng người lính Sư đoàn 308 năm xưa. Đến nay, khi ở tuổi xưa nay hiếm, khi tiết trời chuyển thu, ông vẫn xốn xang nhiều cảm xúc. Người dân khu phố cổ Hà Nội thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy vị tướng quân trang chỉnh tề, oai phong lặng lẽ dạo bước trên phố.
Lịch sử Đại đoàn quân Tiên phong (308) còn ghi những trang vàng với kỷ niệm được Bác Hồ căn dặn trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Cụ Trần Thịnh, 85 tuổi, hiện ở Vân Canh, huyện Hoài Đức nhớ lại: "Nhà tôi ở Ô Đống Mác, mới 16 tuổi đã xung phong vào Vệ quốc đoàn chiến đấu tại khu vực nhà máy nước đá trên phố Trần Quang Khải bây giờ. Sau những ngày đêm giam chân địch tôi theo Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội lên chiến khu để tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Xa Hà Nội, cả đoàn quân lặng lẽ đi, không ai nói với ai một lời. Mỗi người một cảm xúc khó tả. Chẳng ai ngờ con đường đó lại là nơi chúng tôi "ca khúc khải hoàn". Một kỷ niệm vô cùng xúc động trước khi về Thủ đô là chúng tôi được nghe Bác Hồ căn dặn tại Đền Hùng. Người nói: "Chiến đấu khó khăn gian khổ, nay về tiếp quản đô thị, không sợ súng đạn của quân thù mà sợ nhất là những "viên đạn bọc đường". Do đó, chúng tôi luôn quán triệt, học tập để tránh những cám dỗ vật chất"…
60 năm đã đi qua, Hà Nội đã thay da đổi thịt. Diện tích Thủ đô đã được mở rộng, cùng với đó là hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp, nhiều khu đô thị hiện đại mọc lên. Phát huy truyền thống của lớp người đi trước, thế hệ hôm nay đang cố gắng gìn giữ và xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp, xứng với những gì cha ông đã dày công gìn giữ, bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.