Chính trị

Vẹn nguyên ký ức hào hùng

Hiền Chi 10/10/2024 07:19

Những ngày này, Hà Nội đang sống trong ký ức hào hùng của 70 năm trước, cũng là thời điểm Đại tá, nhà giáo Nguyễn Thụ rất bận rộn.

Điều đáng quý là ở tuổi 91, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, được nhiều cơ quan, đơn vị trân trọng mời tham luận, giao lưu, chia sẻ về những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng lịch sử của Thủ đô, như: Cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển” (do Báo Hànộimới tổ chức ngày 20-9); Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (diễn ra hôm nay, 10-10)…

dai-ta-nguyen-thu.jpg
Đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ tại buổi Gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô do Báo Hànộimới tổ chức. Ảnh: Nguyễn Quang

Mừng vui khôn xiết

Lần nào đến nhà ông Nguyễn Thụ ở căn nhà trong ngõ 28 phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi cũng có cảm giác yên bình, gần gũi. Lần này cũng vậy, sự đôn hậu, lạc quan và dí dỏm của ông cùng người vợ dịu hiền, chu đáo khiến cho không khí cuộc gặp mặt thật ấm cúng, gần gũi. Câu chuyện đưa chúng tôi ngược về những năm tháng lịch sử, về cuộc đời anh dũng, bền bỉ cống hiến của người cựu chiến binh đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Sinh ra ở làng quê thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, từ nhỏ đã chứng kiến cảnh người dân bị giặc Pháp áp bức, năm 1949, khi chưa đầy 16 tuổi, ông Nguyễn Thụ xung phong nhập ngũ, tham gia nhiều chiến dịch trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Do có thành tích trong chiến đấu nên năm 1952, ông được cử đi học tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Trong quá trình phục vụ trong quân đội, ông từng tham gia chiến đấu ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Thượng Lào…

z5985400326717_16bf383810a7d0a4b1990a724c71abf0.jpg
Ông Nguyễn Thụ và vợ xem lại những bức ảnh chụp năm 1954. Ảnh: Hiền Chi.

Chỉ vào những bức ảnh của mình được chụp khi cùng đại quân tiến về giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Thụ kể: Khi đó ông mới 22 tuổi, là Trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Đại đoàn 308. Trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Đại đoàn 308 tổ chức lễ mừng công ở khu vực đồi trọc Trại Cờ (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).

“Lúc đó, tôi có quá nhiều cảm xúc. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay được hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc. Thứ ba, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Cảm xúc thứ tư là mong mỏi được về thăm quê hương…”, ông Nguyễn Thụ xúc động chia sẻ.

Các ngả đường người đông như trẩy hội kéo nhau về khu vực đồi trọc Trại Cờ dự lễ mừng chiến thắng. Cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 308 cùng hàng vạn nhân dân vùng tự do và vùng địch tạm chiếm của Bắc Ninh, Hà Nội, Phúc Yên nô nức chào mừng Bộ đội Cụ Hồ và tìm gặp người thân đã gần 9 năm xa cách.

z5985400342788_650ed9c6fc1cb49b089d3a1bf8cbee3a(1).jpg
Ông Nguyễn Thụ cùng vợ xem cuốn sách ông vừa xuất bản. Ảnh: Hiền Chi.

Sau đêm ở Trại Cờ, Đại đoàn 308 tiếp tục hành quân trên đường về Hà Nội. Đến đất Phú Thọ, tại Đền Hùng, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn vinh dự được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện. Ông Nguyễn Thụ vẫn còn nhớ như in lời Bác căn dặn: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn là rất quan trọng và vinh dự”; “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: Tiếp quản phải thận trọng, chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân…”.

Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) trên đường tiến về Cửa ô Cầu Giấy đã tạm nghỉ chân một đêm tại ngã tư Nhổn. Khi đó, có rất đông người dân Thủ đô ra tận nơi đón chào Bộ đội Cụ Hồ. Cờ hoa tưng bừng rộn rã, ai nấy tay bắt mặt mừng, mãi đến tận đêm khuya nhân dân mới về nội thành. “Đơn vị chúng tôi tiếp quản khu vực Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên và nhiều nơi khác. Những người lính Pháp, họ buồn bã rút khỏi cầu Long Biên…”, ông Nguyễn Thụ chia sẻ.

Sau khi tiếp quản Thủ đô, ông Nguyễn Thụ được cử đi học ở Trung Quốc, rồi được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Đến năm 1959, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Quân sự chung của Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đây cũng là môi trường ông gặp và bén duyên với bà Đỗ Thị Mai (sinh năm 1938) - người vợ tần tảo, là hậu phương vững chắc trong suốt cuộc đời ông. Tiếp đó, ông được điều về Bộ Tư lệnh thông tin công tác và nghỉ hưu vào cuối năm 1990. Sau 43 năm công tác trong quân đội, ông được tặng thưởng 8 huân chương, trong đó có 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba…

dai-ta-nguyen-thu-1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô) - Đại đoàn 308 tiến vào khu vực Cửa Nam, ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu

Bền bỉ ý chí tự học và cống hiến

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần ông Nguyễn Thụ nhắc về niềm tự hào được sinh ra ở vùng đất học. Chính tình yêu quê hương đó đã bồi đắp nên lòng yêu nước và ý chí kiên cường, không ngại gian khó của ông trong những ngày mới nhập ngũ, trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến, rồi “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” ở chiến trường Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt nữa trong quá trình phấn đấu, trưởng thành hay cả sau khi đã nghỉ hưu, là ông luôn coi trọng việc tự học. Ông tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, giờ nghỉ để học qua sách, học từ đồng chí, đồng đội, thậm chí học ngay từ cấp dưới của mình.

Là người yêu văn chương, ông đọc rất nhiều, tự sáng tác nhiều truyện ngắn, duy trì hằng ngày việc tiếp nhận thông tin thời sự và là cộng tác viên lâu năm của nhiều tờ báo, trong đó có Báo Quân đội nhân dân. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách viết về người lính, về chiến tranh.

Cuối năm 1990, ông Nguyễn Thụ nghỉ hưu, được địa phương tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng), sau đó là Bí thư Đảng ủy. Đến năm 2000, do tuổi cao ông xin nghỉ công tác. Trong 10 năm công tác ở địa phương, ông được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Chia sẻ về tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng, ông Nguyễn Thụ cho biết, khi sống và làm việc ở Thủ đô, ông muốn góp sức xây dựng địa phương vững mạnh, góp phần vào việc xây dựng Hà Nội phát triển. Bản thân ông Thụ luôn gần dân, làm việc gì cũng hết lòng, hết sức vì nhân dân nên được mọi người rất nể trọng, quý mến.

Nói về người bạn đời của mình, bà Đỗ Thị Mai cho biết: “Ông nhà tôi rất tốt tính. Dù dành nhiều năm tháng cống hiến cho công việc chung, song những khi từ đơn vị về thăm gia đình, ông đều tranh thủ làm việc nhà đỡ đần vợ con”.

Với niềm phấn khởi khi thấy Thủ đô, đất nước phát triển vượt bậc như hôm nay, ông Nguyễn Thụ chia sẻ: “Chúng tôi - những người đi chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc chỉ với mục đích để đất nước được sống trong hòa bình, phát triển. Mình gian khổ để cho tương lai tươi sáng, vì thế, khi trao đổi với thế hệ trẻ, tôi vẫn thường nói các cháu chớ quên quá khứ. Tôi rất khâm phục và tin tưởng thế hệ hôm nay luôn giữ gìn truyền thống về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc - sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù. Họ cũng rất giỏi về khoa học, công nghệ để đưa đất nước tiến lên tầm cao mới”.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trương Định Nguyễn Quang Khải cho biết: “Khi nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Thụ tiếp tục tham gia công tác ở Đảng bộ phường Trương Định trong 10 năm và đã để lại nhiều kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như có nhiều công lao xây dựng nền tảng ban đầu của Hội Cựu chiến binh phường Trương Định. Đồng chí là tấm gương rất tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ quân đội, luôn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên ký ức hào hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.