Ký ức một thời của những sạp báo giấy ở Thủ đô
Sự lên ngôi của báo điện tử khiến báo giấy dần mất đi vị trí quen thuộc. Tuy nhiên, những sạp báo nhỏ vẫn âm thầm tồn tại. Bởi lẽ, văn hóa đọc, với giá trị bền bỉ của nó sẽ giúp báo giấy giữ được vị trí đặc biệt bất chấp dòng chảy của thời gian.
Sự lên ngôi của báo điện tử khiến báo giấy dần mất đi vị trí quen thuộc. Tuy nhiên, những sạp báo nhỏ vẫn âm thầm tồn tại. Bởi lẽ, văn hóa đọc, với giá trị bền bỉ của nó sẽ giúp báo giấy giữ được vị trí đặc biệt bất chấp dòng chảy của thời gian.
Khi cả Hà Nội còn đang yên giấc, tại phố Đinh Lễ (quận Hoàn Kiếm), trụ sở của Công ty Phát hành báo chí Trung ương, những "người thợ" đưa tin đã miệt mài làm việc. 4h30 sáng, họ đã có mặt tại điểm tập kết. Mỗi người một góc, khẩn trương phân loại từng tờ báo, chuẩn bị vận chuyển đến sạp báo, tổ dân phố, các phường, xã, thị trấn và các tỉnh, thành phố khác.
Thời nay, việc tìm thấy một sạp báo giấy ở Hà Nội đã trở thành điều hiếm hoi. Thế nhưng, sạp báo tại số 1 Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) vẫn tồn tại như một biểu tượng giữa lòng phố cổ. Ông Đặng Hữu Phán, 52 tuổi, chủ sạp báo với hơn 30 năm kinh nghiệm chia sẻ rằng đây không chỉ là công việc, mà còn là niềm tự hào và tâm huyết.
Khi báo giấy còn thịnh hành, người người nhà nhà thường kéo đến mua báo nhưng đến nay, chỉ còn vài khách quen, chủ yếu là những người lớn tuổi, thích đọc báo do thói quen từ trước.
Trải lòng về những khó khăn khi làm nghề, ông Phán kể rằng, vào ngày thời tiết không ủng hộ, báo giấy dễ bị ướt khiến những tờ báo không tới được tay khách hàng. Thế nhưng, ông vẫn một mực bám trụ, như một người gìn giữ ngọn lửa le lói của báo in truyền thống.
Cách đó không xa, nằm tại số 11 trên con phố Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm), sạp báo của cô Nguyễn Thị Phương Oanh (54 tuổi) đã bám trụ hơn ba thập kỷ. Trước đây, sạp báo từng thuộc sở hữu của Thông tấn xã Việt Nam, với những dãy báo được xếp ngay ngắn, lưu đậm ký ức về một thời kỳ đặc biệt.
Mỗi sớm, cô vẫn kiên trì đi từ Ngã Tư Sở cách đó gần chục kilômét đến đây để bày biện sạp báo, sắp xếp các số báo theo từng số tuần và tháng. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của mạng xã hội và báo điện tử khiến báo in gặp nhiều khó khăn. Thậm chí đến chính bản thân cô Oanh cũng không biết sạp báo của mình có thể tồn tại được bao lâu.
Ngoài hai sạp báo lớn trên, tại 22 Cửa Nam và ngã ba Lý Nam Đế - Phan Đình Phùng (trước cửa Báo Quân đội nhân dân) vẫn còn các sạp báo nhỏ, lâu đời do thế hệ con - cháu tiếp tục “nối nghiệp” gia đình.
Trước khi báo điện tử xuất hiện, các độc giả vốn đã quen với việc tiếp cận thông tin từ những trang báo giấy và thói quen lâu đời ấy vẫn được gìn giữ bởi một số độc giả trung thành cho tới nay. Ông Lương Quốc Hưng (78 tuổi, phố Hàng Gai) là một trong số đó, ông “ghiền” báo giấy và vô cùng tự hào trước thú vui đọc báo của mình.
Ông Hưng chia sẻ: “Đọc báo giấy từ năm 1980 cho đến nay, mỗi ngày vào buổi sáng tôi đều ra đây đọc 6, 7 tờ báo nhưng chỉ có đủ tiền để mua tờ Tuổi Trẻ”. Đối với ông Hưng, báo điện tử có thuận lợi, tuy nhiên, báo giấy luôn chứa đựng những “cốt cách hoàn mỹ”. Đặc biệt, đối với người cao tuổi như ông khi không sở hữu điện thoại thông minh thì việc tiếp cận được tới những thông tin từ báo giấy là điều đáng trân quý.
Đáng chú ý vào năm 2019, ông nhận được danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do UBND thành phố Hà Nội trao tặng nhờ việc giúp một gia đình liệt sĩ tại Hải Phòng tìm được mộ người thân sau 20 năm biệt tích. Tuy nhiên, ông khẳng định, công lao đó không phải của cá nhân mà tất cả những gì khi đó ông làm được là đọc thật nhiều báo.
Cũng chính vì có những người có niềm yêu báo giấy như ông Hưng mà trong thập niên 90 của thế kỷ XX, trên những con phố trung tâm Thủ đô như Hàng Trống, Đinh Lễ, Phan Huy Chú... người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh hàng trăm sạp báo lớn nhỏ. Theo số liệu thống kê của Hội Phát hành Báo chí Việt Nam năm 2009, riêng địa bàn Hà Nội có đến hơn 60 đại lý và khoảng 700 sạp báo lớn, nhỏ. Huy hoàng là vậy, song nay, số lượng báo bán ra tại các sạp giảm đáng kể. Lượng người tìm mua báo in ngày càng thưa thớt, chủ yếu là người lớn tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Các Nam (Karl Lam) - một nhân chứng của thế hệ lớn tuổi đã chứng kiến sự đổi thay của báo in. Ông chia sẻ: "Đọc báo giấy thì có mùi giấy, mỗi trang giấy đều đượm hương thời gian, khác hẳn với những trang báo điện tử đầy quảng cáo". Những năm gần đây, ông không còn có thể tự mua báo như xưa do các sạp báo không còn nhiều, song ông luôn tin rằng, thời kỳ vàng son của báo giấy sẽ sống mãi trong lòng độc giả, đặc biệt là với những người đã gắn bó với nó nhiều năm.
Với cương vị là một nhà báo đã có những năm tháng “tung hoành” một thời với sự phát triển của các loại hình báo chí, nhà báo Trương Anh Ngọc (Thông tấn xã Việt Nam) vẫn “chuộng” đọc báo giấy để “nhâm nhi”.
Đối với nhà báo, việc bắt gặp những độc giả trên tay vẫn cầm tờ báo khiến cho ông cảm thấy rằng báo giấy vẫn sẽ tồn tại mãi mãi.
Giờ đây, rất nhiều tòa soạn phải đi theo thời cuộc và chuyển đổi, đặc biệt trong số đó là sự sáng tạo của mô hình cà phê đọc báo của Báo Nhân Dân. Nhà báo Trương Anh Ngọc nhận xét: “Mô hình của quán cà phê đã đặt một nền móng mới trong việc đưa báo giấy tiếp cận với lớp trẻ và cũng rất thành công trong việc gìn giữ và lan tỏa nét đẹp đọc báo giấy đến độc giả nhiều hơn”.
Để níu giữ “món ăn tinh thần” của người Hà Nội, nhà báo Lê Quốc Minh (Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) đã thổi một làn gió mới khi cho ra mắt không gian trạm đọc tại kiot số 71 phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Mô hình là sự kết hợp độc đáo giữa không gian trưng bày các ấn phẩm báo chí và quán cà phê. Các số báo cũ sẽ được trao tặng miễn phí tới các độc giả yêu thích. Với cách tiếp cận thông minh, trạm đọc Báo Nhân Dân không chỉ đơn thuần là địa điểm check-in, mà nơi đây còn trở thành một điểm đến gieo mầm văn hóa đọc, khơi dậy niềm yêu thích báo giấy trong lòng giới trẻ.
--------------------
Thực hiện: Nhân Văn