Công nghiệp văn hóa

"Số hóa" tư liệu để kết nối ký ức với hiện tại

Phương Thúy 14/10/2024 - 13:36

Tuần qua, người dân Thủ đô được sống trong cảm xúc tự hào khi chứng kiến các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), trong đó có triển lãm "Hỡi đồng bào Thủ đô!" với những bức hình lần đầu được công bố.

Khác với triển lãm theo cách truyền thống, việc tích hợp triển lãm trực tuyến 3D ngay trong triển lãm trực tiếp đã mang đến cho người xem một kho tư liệu đồ sộ, hấp dẫn với cách thức hiện đại, mới mẻ, sáng tạo.

trien-lam.jpg
Công chúng thích thú thưởng lãm những bức ảnh tư liệu về 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Thúy Đinh

Công nghệ làm sống lại lịch sử

Triển lãm trực tuyến chủ đề “Hỡi đồng bào Thủ đô!” và trưng bày các tư liệu tiêu biểu diễn ra tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch, Hà Nội. Khác với những triển lãm tư liệu trước đó, “Hỡi đồng bào Thủ đô!” giới thiệu tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, trong đó có rất nhiều tài liệu tiêu biểu lần đầu tiên được công bố. Chỉ cần thiết bị di động kết nối internet, du khách có thể trải nghiệm không gian Hà Nội xưa, với những con phố, cửa ô, những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, sống lại ký ức hào hùng của những ngày “khói lửa ngập trời", "Hà Nội vùng đứng lên"... Hiệu ứng kỹ xảo, âm nhạc, tiếng động cộng với hình ảnh minh họa được thiết kế hài hòa, góp phần dựng nên câu chuyện lịch sử, những sự kiện quan trọng của đất nước đã diễn ra trên mảnh đất này.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, triển lãm 3D phù hợp với xu thế hiện nay, là cách tiếp cận nhanh, văn minh, dễ hiểu với mọi lứa tuổi.

Thông qua triển lãm, quá khứ và hiện tại được nối liền bởi các tư liệu quý, được tái hiện một cách chân thực nhờ công nghệ 3D và VR Tour 360.

Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cho biết: Việc ra mắt triển lãm 3D trực tuyến về chủ đề đấu tranh cách mạng là sự kiện có ý nghĩa đối với người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, qua đó cung cấp thông tin bổ ích về lịch sử Thủ đô Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hòa bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, mang lại hiệu ứng có tính giáo dục cao.

Cũng trong thời gian này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 vừa công bố gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ gốc liên quan tới ngày tiếp quản Thủ đô. Thông qua những công văn, tài liệu lưu trữ, người xem hiểu rõ hơn về việc chuẩn bị tiếp quản Thủ đô diễn ra trong nhiều năm, chứ không phải chỉ trong năm 1954 như nhiều người hình dung.

Cùng với đó là hình ảnh quý về những người phụ nữ Thủ đô đón đoàn quân chiến thắng trở về trong sắc cờ hoa rực rỡ, lễ chào cờ thiêng liêng diễn ra chiều ngày 10-10-1954 tại Cột cờ Hà Nội... Đây cũng là kết quả sau một thời gian dài tập hợp, sưu tầm, số hóa tư liệu của các cán bộ lưu trữ.

Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3, hiện nay, trung tâm đang lưu giữ, bảo quản hàng nghìn mét giá tài liệu, hình ảnh liên quan đến ngày 10-10-1954.

Cùng với triển lãm nói trên, hình ảnh tư liệu về việc người Hà Nội đón đoàn quân chiến thắng trở về đang được giới thiệu tại nhiều triển lãm diễn ra trong thời gian này, như “Hà Nội - Ký ức những ngày tiếp quản”, “Hà Nội trong tôi: dấu ấn 70 năm Giải phóng”, “Hà Nội và những cửa ô”... Nhiều triển lãm đang áp dụng những cách làm mới, kết hợp ảnh trưng bày trực tiếp với kho tư liệu thông qua kết nối bằng mã QR.

Tiếp tục chuyển đổi số kho ảnh khổng lồ

Trải qua gần một thế kỷ ra đời và phát triển, làng nhiếp ảnh nước nhà đã có những người nghệ sĩ, chiến sĩ, nhà báo vượt qua bao nguy hiểm, khó khăn để có được những “di sản ảnh” vô giá cho đời sau.

Nguồn ảnh đang nằm rải rác tại Thông tấn xã Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam, một phần không nhỏ đang được lưu trữ tại các gia đình. Tư liệu, tài liệu lịch sử ấy luôn được cập nhật và bổ sung, giới thiệu đến công chúng trong những trưng bày, triển lãm thực tế xen lẫn hình thức trực tuyến, góp phần kết nối quá khứ và hiện tại, để lịch sử trở nên sống động và thiết thực. Tuy vậy, riêng với những bức ảnh được chụp phim, nếu không được số hóa thì dần dần sẽ bị hư hại. Do vậy, chuyển đổi số nhiếp ảnh là điều cấp thiết.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải là tác giả của những bức ảnh nổi tiếng về Hà Nội trong những năm 1960, 1970 khi miền Bắc đang xây dựng Xã hội chủ nghĩa, chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Những bức ảnh của ông đã trở thành một phần của lịch sử Thủ đô, như “Khu phố Khâm Thiên bị bom B52 tàn phá năm 1972”, “Bán hàng lưu động trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Công nhân nhà máy sợi Hà Nội mắc ống sợi thành phẩm”... cùng nhiều ảnh chụp Bác Hồ trong những hoàn cảnh đặc biệt: “Bác Hồ về thăm quê” (1961), “Bác Hồ tại hội nghị phụ nữ miền Bắc tham gia công tác chính quyền” (1960), “Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp”.

Năm nay, NSNA Trịnh Hải đã ngoài 90 tuổi. Ông đang tìm nơi để gửi lại tư liệu của mình, mong muốn khối tư liệu đó được bảo quản tốt cho đời sau. Ông hiểu rằng, chỉ có con đường số hóa mới giúp lưu trữ và quảng bá tác phẩm nhiếp ảnh được lâu dài, hiệu quả. Những đồng nghiệp cùng thời với ông như Đinh Quang Thành, Văn Phúc, Ngô Minh Đạo... hiện cũng đang sở hữu kho tư liệu ảnh đồ sộ, nếu được tập hợp lại thì sẽ tạo nên nguồn tư liệu ảnh lớn, vô cùng quý giá. Tuy vậy, hiện nay, đơn cử như với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, dù đã có trung tâm lưu trữ nhiếp ảnh nhưng chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ gửi ảnh vào đó.

Một trong những nguyên nhân chính là Hội chưa có quy định rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ trong quá trình lưu trữ, cơ chế khai thác, sử dụng..., còn gửi ảnh vào theo nghĩa đen là “cất kho” thì không ai dám gửi.

Chính nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng thừa nhận rằng đơn vị này mới đang thực hiện công tác tích hợp dữ liệu, xây dựng ngân hàng ảnh, còn việc khai thác chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế, chính sách, đặc biệt là nguồn lực tài chính đầu tư cho công việc này còn quá ít, chưa có cơ chế phối hợp giữa các bên sở hữu dữ liệu và cơ quan lưu trữ.

Trong những năm gần đây, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề nhân các ngày lễ lớn của dân tộc. Nhiều triển lãm đã khai thác đa dạng nguồn tư liệu, đồng thời có cách thức biểu đạt sinh động, hấp dẫn. Còn Trung tâm Lưu trữ ảnh thuộc Thông tấn xã Việt Nam lại phát huy được lợi thế của mình, công bố, phát hành nhiều hạng mục ảnh tư liệu lịch sử và ảnh thời sự. Như vậy, mỗi đơn vị lưu trữ đang cố gắng tận dụng thế mạnh của mình nhưng dường như hoạt động vẫn còn manh mún, chưa thực sự hiệu quả.

Do đó, việc lưu trữ và chuyển đổi số các tác phẩm ảnh cần bàn tay của một “nhạc trưởng”, ở đó có sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước, giữa các bên lưu trữ. Đồng thời, cần phải nghĩ đến việc xây dựng sàn tư liệu nhiếp ảnh, nơi vừa có thể khai thác nguồn ảnh để phục vụ mục đích tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật, vừa trao đổi và giới thiệu ra nước ngoài... Việc xây dựng một ngân hàng lưu trữ ảnh hoặc bảo tàng ảnh quốc gia là điều cần nghĩ tới trong tương lai không xa.

Việc phát huy các giá trị của ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật cũng cần được đầu tư nhiều hơn nữa về mặt nội dung, chất lượng, hình thức nghệ thuật, cách thức tổ chức trưng bày, để những di sản của cha ông, ký ức huy hoàng của Thủ đô Hà Nội không bị lãng quên trong cuộc sống hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Số hóa" tư liệu để kết nối ký ức với hiện tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.