(HNM) - Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ứng cử tại Hà Nội vừa có đợt tiếp xúc cử tri (TXCT) chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng trong khóa XII. Diễn ra trong 4 ngày (từ 7 đến 10-3) với 6 cuộc tập trung, đây là đợt tiếp xúc ngắn gọn nhất từ trước đến nay. Nhưng không vì thế mà đợt TXCT lần này kém đi tính sôi nổi vốn có, mà thậm chí còn hàm chứa nhiều điều đáng suy nghĩ.
Cử tri huyện Mê Linh phát biểu tại một buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Cụ thể hóa sức mạnh giám sát
Cử tri vốn rất nhạy cảm trước những vấn đề thời sự. Kỳ TXCT lần này diễn ra giữa lúc tình hình lạm phát đang diễn biến phức tạp với sự điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu và điện chưa có tiền lệ. Kết quả là đời sống dân sinh bị tác động mạnh, khiến cho diễn đàn gặp gỡ giữa ĐBQH và cử tri trở nên sôi động bởi những ý kiến liên quan. Ở tất cả 6 cuộc TXCT lần này không cuộc nào mà cử tri không đề cập tới chủ đề này. Điều mong muốn nhất của cử tri chính là QH cần cụ thể hóa sức mạnh giám sát để bảo đảm chắc chắn rằng, việc điều hành giá cả của cơ quan hành pháp là hợp lý, không sai trái, đặc biệt là lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Sự sôi nổi của cử tri về chuyện giá, lương, tiền, còn được đẩy lên một bậc khi lần đầu tiên, có ý kiến đề xuất QH nghiên cứu xây dựng một luật riêng về lương. Cử tri Nguyễn Đức Hạnh (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) trong cuộc tiếp xúc với các ĐBQH thuộc Đơn vị bầu cử số 1 (Ba Đình, Cầu Giấy) nói: "Nhiều việc bình thường đã có luật trong khi lương là yếu tố vô cùng quan trọng thì lại chưa thấy. QH nên chỉ đạo xây dựng luật về lương để có chính sách lương phù hợp hơn hiện nay. Đây là cách để tránh chuyện lương cứ mãi "đuổi" theo giá, gây nhiều thiệt thòi cho người làm công ăn lương hiện nay".
Tiếp tục lặp lại những đề nghị qua nhiều kỳ TXCT trước đây là QH cần nâng cao chất lượng xây dựng luật để làm sao luật ra đời được vận dụng hiệu quả, đồng thời khắc phục tình trạng chậm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật hiện nay, cử tri cũng đồng tình với dự định tăng thêm ĐBQH chuyên trách trong nhiệm kỳ tới. Nhưng điều cử tri mong chờ ở QH và ĐBQH chính là nâng cao khả năng giám sát. Những nguyện vọng chính đáng này cho thấy, cử tri luôn đặt niềm tin và sự kỳ vọng ở QH. Sự cố gắng đổi mới và kết quả đổi mới tích cực của QH trong những kỳ họp gần đây cũng đã được cử tri ghi nhận.
Tuy nhiên, số lượng áp đảo ý kiến của cử tri thuộc về lĩnh vực dân sinh, những vấn đề "cơm, áo, gạo, tiền", "điện, đường, trường, trạm", "đất đai, nhà ở" gắn bó mật thiết với cử tri. Điều này chứng tỏ rằng, còn rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc mà lẽ ra phải được chính quyền ở cấp phường, xã, cấp quận, huyện giải quyết thì cử tri vẫn luôn phải "mang tới" cấp cao hơn với hy vọng bức xúc của mình được vơi đi.
Những băn khoăn còn lại
Cơ quan dân cử ở nước ta tổ chức thành 4 cấp, thấp nhất là cấp xã, phường, sau đến cấp quận, huyện, trên là cấp tỉnh, TP, cao nhất là QH. Cả 4 cấp đều phải thực hiện nhiệm vụ TXCT trước và sau kỳ họp. Thế nên, một năm, cử tri có dịp gặp gỡ nhiều lần, qua nhiều cấp những người đại diện cho mình. Hình thức TXCT thường là giống nhau, nhưng ở mỗi cấp, tính chất, đặc điểm nội dung TXCT lại một khác. Vì tương đương với từng cấp cơ quan dân cử là một cấp cơ quan hành pháp với chức năng, nhiệm vụ giải quyết vấn đề của dân khác nhau.
Vì vậy, trước mỗi buổi TXCT, đại diện cơ quan tổ chức đều đề nghị cử tri phát biểu ý kiến ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đặc biệt là vấn đề phát biểu "nên có tầm QH". QH đang chuẩn bị cho kỳ họp cuối cùng với nhiệm vụ tổng kết nhiệm kỳ, rút ra những bài học kinh nghiệm, nên rất cần những ý kiến đóng góp của cử tri cho chủ đề này. Không ít cuộc TXCT, ĐBQH đều không đạt được mong muốn; cử tri vẫn "thờ ơ" với những chủ đề "vĩ mô" mà chủ yếu xoay quanh những vấn đề bức xúc dân sinh, gắn bó thiết thân với cá nhân, gia đình mình. Đây là điều hết sức tự nhiên, là điều khó tránh khỏi khi mà việc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, giải quyết khiếu tố ở cấp cơ sở còn kém hiệu quả. QH cũng có thể khắc phục tình trạng ít ý kiến đóng góp cho hoạt động của mình bằng các cuộc TXCT chuyên đề với nhóm cử tri chuyên biệt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.