(HNM) - Cho đến nay, chưa thấy ai đếm được mỗi năm, trên đất nước ta có bao nhiêu cuộc hội thảo, vì hầu như ngày nào trên ti vi cũng có tin về một cuộc hội thảo. Đó là mới chỉ tính các hội thảo thuộc loại "có tầm cỡ" được đưa tin trên đài truyền hình, còn nếu kể cả những cuộc hội thảo... cấp thấp, hoặc ở địa điểm xa, không kịp mời nhà đài, thì khó mà biết được mỗi ngày ở các tỉnh, thành đã diễn ra bao nhiêu cuộc hội thảo lớn nhỏ?
Trước hết, cần phải nói ngay một điều rằng hội thảo là một việc làm cần thiết và có ích. Một cuộc hội thảo, nếu chuẩn bị tốt, sẽ đem lại cho những người dự một lượng thông tin phong phú, bổ ích và đa dạng; giúp cho cơ quan đề xuất và chủ trì hội thảo nhìn nhận vấn đề được toàn diện, chính xác hơn.
Tuy nhiên, hiện nay đang có tình trạng "lạm phát" hội thảo, hoặc nói một cách khác là có những cuộc hội thảo vô bổ, không đem lại lợi ích gì nhiều cho người dự hội thảo, không có tác dụng cho công việc mà còn gây ra những lãng phí ghê gớm cho đất nước. Chẳng hạn đã có khá nhiều cuộc hội thảo về chuyện xe máy, xe ô tô "bỗng dưng" bốc cháy - cả khi đang chạy trên đường hoặc khi đang để trong nhà - Một tờ báo còn cho biết trong chủ đề đó, đã có cuộc hội thảo to "vật vã" hồi thượng tuần tháng 2-2012, nhưng rút cuộc thì chưa thể tìm ra nguyên nhân, người thì nói tại chập điện, người thì nói tại chất lượng xăng... và kết luận là "tiếp tục nghiên cứu thêm"! Lại có những cuộc hội thảo bàn tới bàn lui về chuyện "bảo tồn phố cổ ở Hà Nội". Còn nhớ là cách đây từ 18 năm - năm 1994 - đã có một chỉ thị của Bộ Chính trị về quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó có việc bảo tồn phố cổ. Nhưng rồi, biết bao nhiêu cuộc hội thảo lớn nhỏ, để rồi đến hôm nay, di sản phố cổ vẫn y nguyên. Vẫn cái cảnh năm bảy hộ trong một căn nhà cổ phải dùng chung một cái hố xí 2 ngăn, sáng sáng đứng xếp hàng... chờ nhau! Vẫn cái cảnh tấm gỗ trên trần bị mọt rơi lả tả khi đang ngồi ăn cơm! Ai không tin nổi, xin cứ đến phố Hàng Bạc mà coi. Người dân muốn cải tạo để có được cái hố xí tự hoại nhưng... không được phép, vì còn phải đợi "kế hoạch bảo tồn phố cổ" chưa biết đến năm nào mới được khởi công?
Tôi đã có dịp được mời, hoặc "bị phân công" đóng vai đại diện để dự một số cuộc hội thảo, mà vấn đề sẽ thảo luận chỉ được biết khi... nhận được giấy mời, nghĩa là chỉ trước một buổi hay một ngày là cùng. Sắp xếp được công việc để "dứt" ra một buổi hay một ngày đi dự hội thảo đã là một khó khăn. Vậy là đành tặc lưỡi, xác định rằng đi để "nghe là chính", chứ không dám mơ đến việc tham gia ý kiến để thảo luận. Đi nghe và đi nhìn, mới thấy thực tế là như thế này: Ông A. chuẩn bị một bài tham luận, nên khi đến dự hội thảo, anh chỉ ngồi chăm chú đọc lại bài tham luận của mình cho đến khi được mời đăng đàn. Đọc xong, anh tự coi là đã "hoàn thành nhiệm vụ" và cũng không biết gì đến các bài khác. Bà B. cũng thế... thậm chí đọc xong, nhận "phong bì" rồi về "vì có việc bận ở cơ quan", không quan tâm đến các diễn giả khác. Cuộc hội thảo cứ thế diễn ra qua các bài tham luận lần lượt được đọc trước micrô một cách "phận ai nấy biết", không hề có phản biện, phản bác, hoặc trao đổi ý kiến thảo luận. Trong khi đó, tại các hàng ghế "đại biểu", không thiếu người mải mê... xem báo hoặc mải mê nhắn tin trên điện thoại di động! Có vị còn lấy trong "ca-táp" ra một xấp tài liệu mang từ cơ quan để ngồi chăm chú đọc và chữa, mà chắc chắn những tài liệu này chẳng liên quan gì đến cuộc hội thảo cả.
Của đáng tội, cũng có đôi ba người chú ý lắng nghe vài bài tham luận, cũng tỏ vẻ "gật gù tâm đắc" hoặc "chau mày lắc đầu" vì không đồng tình với diễn giả. Đã có lần, tôi thầm thì hỏi nhỏ một diễn giả đã đọc xong và xuống ngồi cạnh tôi: "Sao anh không lên phát biểu lại, vì hình như bài tham luận đang đọc kia hơi khác ý của anh ?", và tôi cũng được nghe một câu trả lời thầm thì: "Biết thế, nhưng nó... tế nhị lắm!". Người ta tránh né, không trao đổi, không phản bác trong hội thảo bởi những điều được gọi là "tế nhị": có thể vì học hàm, học vị của nhau, có thể do quan hệ cá nhân với nhau, có thể không muốn tỏ ra có ý kiến "chống nhau"... Thế rồi cuộc hội thảo "thành công tốt đẹp" và mỗi người có một cái phong bì "tiền ăn trưa" bỏ túi đem về.
Tôi muốn gọi các cuộc hội thảo như vậy là "hội" mà không "thảo", là một sự lãng phí ghê gớm. Lãng phí về thời gian, lãng phí về tiền bạc: tiền thuê hội trường, tiền in ấn tài liệu, in và gửi giấy mời, tiền phong bì cho các vị đến dự, tiền nước uống, tiền điện... không ít đâu, nhất là trong lúc chúng ta đang hô hào tiết kiệm! Nhân một cuộc phiếm đàm quanh ấm trà về các loại hội thảo kiểu này, một anh bạn Phó giáo sư - Tiến sĩ còn trầm ngâm bảo tôi: "Hội thảo là cách thu thập thông tin một cách rẻ nhất. Nếu tôi là một giám đốc công ty nước ngoài định vào làm ăn ở ta, tôi chỉ cần chi ra vài nghìn đô la tài trợ cho một cơ quan nào đó đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo về một chủ đề rộng rãi nào đó, "com-măng" trước một số bài tham luận hướng về những điều tôi muốn biết và tôi sẽ được cung cấp vô khối thông tin có giá trị mà có nằm mơ cũng không kiếm ra". Tôi nghe mà giật mình và ngồi nghĩ lại, phải công nhận điều đó có lý!
Vậy là hình như cần có một "nền văn hóa hội thảo", nếu được gọi như vậy. Từ thái độ đi dự hội thảo, đến phong cách đi nghe hội thảo, lại cả vấn đề chủ trì, chuẩn bị nội dung của cơ quan chủ quản... Trong thời buổi hiện nay, hình như đã xuất hiện loại "thợ đi dự hội thảo" (đi để lĩnh phong bì rồi về). Tôi còn nghe nói có cả loại "cai đầu dài" đứng ra nhận khoán để tổ chức một cuộc hội thảo từ A đến Z (mà thu nhập của các loại "cai", loại "thợ" này không phải là ít bởi tình trạng "lạm phát" hội thảo). Nghe đâu ở bên Trung Quốc đã có việc ông Thủ tướng ra lệnh đình hoãn hoặc hủy bỏ cả chục nghìn những cuộc hội nghị, hội thảo vô bổ, chẳng biết thực hư ra sao nhưng cũng đáng để các nhà quản lý của chúng ta tham khảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.