(HNM) - Trong những năm qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều gương nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại, ứng dụng vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhiều tỷ phú nông dân
Ông Cao Văn Dũng (phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được ví là “tỷ phú nông dân”. Trải qua nhiều ngành nghề như mua bán phế liệu, mở cửa hàng tạp hóa… ông Dũng quyết định quay trở về gắn bó với đồng ruộng. Tận dụng hơn 1ha đất canh tác của gia đình, ông mạnh dạn thử nghiệm đào ao nuôi cá bống tượng, cá chình. Hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2008 đến 2013, ông Dũng thuê thêm ruộng, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên tới 13 ao nuôi. Xung quanh bờ ao, ông Dũng trồng rau, cây ăn quả… biến khu nuôi trồng thủy sản trở thành điểm du lịch miệt vườn. Mô hình này là điểm sáng, được tỉnh Cà Mau đánh giá cao và giới thiệu nhân rộng để nhiều nông dân học tập. Hiện mô hình cho thu nhập bình quân hơn 1,5 tỷ đồng/năm trở lên. Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, ông Dũng được vinh danh là một trong những nông dân tiêu biểu của cả nước.
Mô hình chăn nuôi lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nhật Nam |
Mô hình nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao của ông Nguyễn Văn Thanh (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), một trong những mô hình chăn nuôi điển hình của thành phố, cũng được đánh giá cao. Ông Thanh cho biết, đã tập hợp các hộ chăn nuôi lợn ở địa phương thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ và ông được bầu làm Giám đốc hợp tác xã. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó và học tập kinh nghiệm, ông Thanh đã vận động thành viên hợp tác xã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, tự động hóa toàn bộ từ khâu sản xuất con giống, cung ứng thức ăn đến cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tiêu thụ sản phẩm... Hiện trang trại có quy mô 22ha, chăn nuôi 3.000 con lợn nái và bình quân 70.000 con lợn thịt/năm. Hằng năm, hợp tác xã cung cấp 3.000 tấn thịt lợn hơi cho thị trường; doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng ông Cao Văn Dũng và ông Nguyễn Văn Thanh, cả nước đã xuất hiện nhiều gương nông dân giỏi. Họ được ví là những “hạt giống đẹp” trong phát triển kinh tế, có sức lan tỏa rộng. Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho hay: “Cả nước có khoảng 70% dân số là nông dân và hiện có 3,5 triệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Họ đang tiên phong và dẫn lối cho những mô hình chuyển đổi hiệu quả, đúng theo định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần rất lớn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Đồng hành và hỗ trợ
Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông dân cần được đầu tư toàn diện cả về kiến thức khoa học, thị trường cũng như hỗ trợ về nguồn vốn, qua đó phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp tích cực cho quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Xác định nông dân là nòng cốt, trụ cột trong quá trình đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động giúp nông dân vươn lên làm giàu. Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết, 5 năm qua (2013-2018), Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương đã cho vay hơn 6.404 tỷ đồng, hỗ trợ 310.050 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Các cấp Hội Nông dân cũng tích cực phối hợp, liên kết với doanh nghiệp bảo lãnh, trợ giá, lãi suất ngân hàng, cung cấp phân bón, cây giống, con giống trả chậm bảo đảm chất lượng với giá trị hơn 6.832,8 tỷ đồng; đồng thời cung cấp, chuyển giao 2.079 máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm, giúp nông dân phát triển sản xuất.
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân đã tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao; mở rộng các dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với phương châm “Sản xuất gắn với thị trường và bảo vệ môi trường”. Điển hình như mô hình xây dựng “Câu lạc bộ Khoa học - kỹ thuật nhà nông”, “Điểm truy cập internet”; tổ chức các cuộc thi “Nhà nông đua tài”, “Nông dân với công nghệ thông tin”, “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”... Từ đó xuất hiện hàng nghìn giải pháp, sáng kiến ứng dụng trong sản xuất và đời sống để tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cũng trong 5 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế tổ chức được 300.325 lớp tập huấn, hội thảo về khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tin học... cho hơn 15 triệu lượt cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng, chuyển giao thành công hơn 14.000 mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Từ những hoạt động này, nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao do nông dân làm chủ đã hình thành và được nhân rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.