(HNM) - Đó là những cô bé, cậu bé đáng lý đang hồn nhiên “ngày hai buổi đến trường” nhưng phải xa nhà, xa những trò chơi tuổi thơ,
Một buổi học của các em mắc bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện. |
Khi bệnh viện là nhà
Tuổi mới lên 9 nhưng cô bé Phùng Thị Ngọc Chi (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) đã có 8 năm liền điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Chi được mệnh danh là “y tá nhí” của Khoa Nội ung bướu nhi với nhiều thành tích “xuất sắc” như đọc thuộc từng loại tên thuốc và hóa chất, phân biệt hết các loại mũi kim tiêm, dịch truyền và biết rõ “lý lịch trích ngang” của các bạn nhỏ cùng chữa trị. Mỗi sáng thức dậy trong bệnh viện, Chi vui vẻ làm “trợ lý” cho các cô y tá, em gọi các bạn đi tiêm thuốc, kiêm thêm nhiệm vụ vỗ về, động viên bạn đang khóc vì đau.
Năm 38 tuổi, chị Triều Thị Hiệp mang thai rồi sinh bé Chi. Nhưng khi con được 6 tháng tuổi, chị Hiệp thấy lo lắng vì nước da của con hơi vàng và chậm tăng cân so với bình thường. Vội vàng bế con lên thành phố kiểm tra, chị ngất xỉu khi bác sĩ thông báo Chi bị ung thư máu. Kể từ đó, thời gian Chi ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. “Ban đầu cháu vẫn đi học kết hợp điều trị. Mãi đến khi lớp 3, bệnh tình trở nặng đành phải nghỉ nửa học kỳ để chữa bệnh. Thầy cô thương nên đã cho em đặc cách lên lớp 4. Thế nhưng, sau khai giảng năm học mới được vài tuần thì xảy ra chuyện...”, chị Hiệp vừa kể vừa đưa tay gạt nước mắt. Lần ấy Chi bị ngất tại lớp học, khi tỉnh dậy em đã nằm ở trong phòng bệnh với đủ thứ dây rợ gắn trên người cùng gần 20 bạn nhỏ bị ung thư khác.
Đợt này, trong phòng bệnh có thêm 3 bạn mới. Thời gian đầu Chi lân la làm quen nhưng bị các bạn “ngó lơ” vì quá đau và mệt. “Các bạn chưa quen với liều hóa trị đầu tiên nên còn nóng nảy, cáu gắt. Thay vì giận, con làm đủ trò để chọc bạn cười” - bé Chi giải thích.
Nằm kế giường bệnh của Chi là em Đặng Hoàng Tuấn, 11 tuổi đến từ Bình Định. Từ nhỏ Tuấn vốn có thân hình mập mạp, hơi béo bụng. Khi vừa học hết lớp 5, người mẹ phát hiện bụng Tuấn bên to bên nhỏ bất thường. Khi vào khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ phát hiện em có khối u ác tính nặng 2,6kg đã xâm lấn vào thận nên phải cắt bỏ một quả thận. Sau đó, em lên Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh để tiếp tục xạ trị. Ba tháng sau phẫu thuật Tuấn vẫn chưa được về nhà, em bắt đầu nhớ trường, nhớ lớp. Mỗi lần y tá chích thuốc, Tuấn không khóc mà thủ thỉ với cô y tá: “Tuấn ngoan nhất phòng, cô nói với bác sĩ cho Tuấn về nhà nhé cô”. Ngoài hành lang, bác sĩ gọi phụ huynh em ra trao đổi, bệnh tình của Tuấn xác định phải điều trị lâu dài trong bệnh viện từ 2 đến 3 năm.
Bác sĩ Lương Thị Tường An - Phó khoa Nội ung bướu nhi - Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện bệnh viện đang tiếp nhận 500 bệnh nhi mắc bệnh ung bướu trong độ tuổi từ 3 tháng tuổi đến 15 tuổi. Trong đó có 60 em điều trị nội trú với thời gian kéo dài nhiều năm và tỷ lệ tái phát cao. Do ung thư ở bệnh nhi thường liên quan đến những đột biến trong gen nên diễn tiến xấu và phát triển nhanh hơn so với người lớn. Tùy theo diễn tiến từng loại ung thư, loại nhẹ thì 1 tháng vào bệnh viện điều trị 1 lần, tình trạng bệnh nặng thì phải điều trị cách ngày nên các cháu phải nằm nội trú lâu dài trong bệnh viện”.
Lớp học đặc biệt
Sau khi phẫu thuật mổ khối u não vào cuối năm 2014, em Đặng Thị Yến Linh phải nghỉ học để xạ trị và tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Khi Linh chuẩn bị lên lớp 6 tại ngôi trường thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thì xuất hiện những cơn đau đầu, ói. Đến bệnh viện khám, các bác sĩ phát hiện em bị u não, phải mổ. Dù đã điều trị trong bệnh viện đã 3 năm nhưng Linh vẫn nuôi ước mơ được cắp sách tới trường. Mỗi chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần, Linh lại đến lớp học trong bệnh viện luyện từng nét chữ bằng tay trái. “Trong bệnh viện con vẫn học và viết tiếng Anh. Khi hết bệnh, con sẽ về đi học, làm hướng dẫn viên du lịch”, Linh hồn nhiên cho biết ước mơ của mình...
Lớp học của Linh rất đặc biệt do cô Đinh Thị Kim Phấn làm chủ nhiệm, cùng với 8 giáo viên tình nguyện viên hỗ trợ. Mỗi tuần, các bệnh nhi ung thư từ 5 đến 15 tuổi được các cô tổ chức 2 buổi học văn hóa và sinh hoạt trò chơi, văn nghệ trong không gian rộng chừng 40m2 do bệnh viện ưu tiên bố trí. Từ phòng bệnh đến lớp chỉ vài chục bước chân, thế nhưng nhiều bé đi học phải cần sự hỗ trợ của 2 người lớn. Phụ huynh thì dìu con em mình, còn tình nguyện viên cầm theo chai dịch truyền hóa chất đi theo từng bước chân chậm chạp. Sau mỗi đợt “vào thuốc” các em bị rụng tóc, tay chân yếu, thậm chí phát âm khó khăn. Việc rèn chữ, đứng lên múa hát vốn là sinh hoạt rất đỗi bình thường với bạn nhỏ, nhưng ở lớp học đặc biệt này chỉ những “chiến binh” xuất sắc đáp ứng thuốc điều trị thì mới có thể làm được. Bình thường đội văn nghệ do cô Phấn tổ chức có 10 em tham gia, nhưng có hôm chỉ còn vài bạn đủ sức khỏe để biểu diễn. Có 3 em hôm nay đến lớp nhưng phải mang theo dịch truyền nên không được phép cử động, 3 em còn lại thì quá yếu sau khi truyền hóa chất, nằm mê man trên giường bệnh.
Cô Phấn kể, ban đầu lớp học chỉ nhận những em nhỏ bước vào độ tuổi đi học nhưng mắc bệnh phải đến bệnh viện chữa trị nội trú thường xuyên. Khi lớp học dựng lên, những em nhỏ đang học ở trường nhưng phải nghỉ học đi chữa bệnh cũng muốn tham gia và được tiếp nhận. “Lớp học đã duy trì 9 năm nay, tôi giữ được 700 cuốn vở của các em mắc bệnh hiểm nghèo đến theo học. Trong đó có 70 em học sinh xuất viện ra về và phụ huynh báo là đã mất. Trong số những thiên thần ấy, có bé theo tôi học được 4-5 năm, có bé mới nhập học được 3 tháng thì đã ra đi” - giọng cô Phấn như nghẹn lại.
Nhìn các em hăng say học chữ, múa hát trên lớp học, nhiều phụ huynh lặng lẽ đưa mắt qua khung cửa sổ quan sát từng cử chỉ của con. Điều đó tiếp cho họ và cả chúng tôi nghị lực, hy vọng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.