(HNM) - Ngày ngày, họ vẫn cần mẫn với công việc thầm lặng của mình, bởi hơn hết,
Nguyễn Sỹ Hưng, sinh năm 1980 tại Hà Nội, kể với tôi rằng, anh nuôi dưỡng ước mơ trở thành người chiến sĩ PCCC từ khi ngồi trên ghế nhà trường, bởi ngưỡng mộ hình ảnh người chiến sĩ PCCC bất chấp hiểm nguy lao vào biển lửa cứu người. Tuy nhiên, gia đình anh lại phản đối vì sợ anh gặp nguy hiểm. Kiên trì thuyết phục, theo đuổi giấc mơ, năm 1998, Hưng thi đậu vào Trường Cao đẳng PCCC (nay là Trường ĐH PCCC, TP Hà Nội). Tháng 7-2002, anh ra trường và nhận được quyết định công tác tại Công an tỉnh Cà Mau và 5 năm sau, chuyển về Phòng Cảnh sát PCCC quận 3, thuộc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh. Khác với ước mơ xưa, cũng là chiến sĩ PCCC nhưng công việc của Hưng làm không phải là lao vào "biển" lửa chữa cháy mà là ngăn ngừa thảm họa.
Đại úy Nguyễn Sỹ Hưng. |
Hưng bảo, bao nhiêu năm qua, công việc của anh và đồng đội, dù thầm lặng nhưng càng làm, càng thấy giá trị của câu nói "phòng cháy hơn chữa cháy". Xác định công tác xây dựng, phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC là trọng tâm, xuyên suốt và có ý nghĩa quyết định để giảm vụ cháy, giảm thiệt hại; là một trong những người chỉ huy của đội, hằng tuần, anh cùng đồng đội xuống từng hộ dân phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xây dựng phong trào quần chúng tham gia PCCC. Khi xảy ra chuyện thì người ta mới thấy hết sự nguy hiểm của "giặc lửa", sự hữu ích của chiến sĩ PCCC nhưng trước khi thảm họa xảy ra, chưa hẳn ai cũng có ý thức phòng ngừa. Thế nên Hưng cùng đồng đội đã gặp không ít khó khăn khi thực hiện công việc của mình bởi nhiều hộ dân, thậm chí một số doanh nghiệp trên địa bàn còn né tránh, không chịu hợp tác trong công tác PCCC. Nhiều khi ban ngày, anh cùng động đội lặn lội xuống từng hộ dân không gặp thì ban đêm lại tới để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp. "Xuống tận cơ sở để hiểu cũng như gần dân hơn là điểm mấu chốt mang lại thành công cho phong trào" - Đại úy Hưng nói về kinh nghiệm nghề nghiệp.
Địa bàn quận 3 rất rộng và có tới 898 cơ sở và 63 khu dân cư thuộc diện quản lý về PCCC. Cũng do phải đi xuống dân ở địa bàn rộng như vậy, tuần nào cũng thế, Hưng phải ăn cơm bụi, xa vợ con vài ngày. Thậm chí, vào những ngày lễ, Tết, anh phải xa nhà cả tuần liền. "May mắn là vợ mình cũng hiểu, thậm chí còn động viên nữa, chứ không thì…" - Hưng cười!
Không chỉ cần mẫn đi vận động từng hộ dân, Hưng là một trong những người tiên phong của Phòng Cảnh sát PCCC quận 3 trong sáng kiến xây dựng các phong trào như: "3 có" (bình chữa cháy, cầu dao ngắt điện tự động và đèn pin sạc); "3 biết" (ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ PCCC, thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy, xử lý tình huống cháy nổ xảy ra kịp thời); "khu phố điểm về PCCC"..., đã được người dân hưởng ứng tích cực, ngày càng nhân rộng. Chưa dừng lại ở đó, với kinh nghiệm của mình, nhận thấy công tác trang bị các phương tiện PCCC cho người dân còn thiếu thốn, Hưng và đồng đội đã đi vận động gia đình đảng viên, viên chức gương mẫu làm trước. Tuy nhiên, với người dân nghèo, nguồn tài chính hạn hẹp, cái ăn, cái mặc còn phải "toát mồ hôi" thì việc mua một bình chữa cháy là điều khó khăn. Nhiều đêm trăn trở, anh quyết định gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn vận động họ ủng hộ thêm kinh phí nhằm trang bị các bình chữa cháy đến từng nhà dân. Kết quả các hộ dân nghèo trên địa bàn do đội Hưng quản lý đã được trang bị 150 bình chữa cháy. Cách làm này đã được Công an tỉnh Đắk Nông, tỉnh Ninh Bình học hỏi kinh nghiệm và được Sở Cảnh sát PCCC thành phố nhân rộng trên toàn địa bàn. Ngoài ra, Hưng cùng đơn vị đã tham mưu cho UBND quận 3 xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà gồm: 2 trạm bơm, 24 họng chữa cháy và 2 bể nước với dung tích 160m3 nước…
Nhờ công tác dân vận tốt nên nếu như trước đó, trên địa bàn quận 3 trung bình hằng năm xảy ra khoảng trên dưới 10 vụ cháy nổ thì nay chỉ còn vài vụ cháy nhỏ. Đặc biệt, tại hai khu phố 5 và 6 là nơi tập trung chủ yếu người lao động nghèo và có nguy cơ cháy cao nhất trên địa bàn, trong năm 2013 không còn xảy ra vụ cháy nào.
Nhờ sự cần mẫn hết mình đó, năm nào Hưng cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, được đánh giá là một trong những cán bộ, chiến sĩ đi đầu trong việc xây dựng các phong trào bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.