Môi trường

Đổi mới công tác vệ sinh môi trường, vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Hoàng Sơn 10/07/2025 - 15:59

Xác định môi trường “Sáng - xanh - sạch - đẹp” là tiêu chí không thể thiếu để phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, thời gian qua, thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm đổi mới toàn diện công tác vệ sinh môi trường.

7vsmt.jpg
Xe chở rác được Công ty cổ phần năng lượng Thiên Ý đầu tư mới. Ảnh: Hoàng Sơn

Hiện đại hóa phương tiện, nâng cao hiệu quả xử lý rác

Ngày 8-7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3984/UBND-NNMT nhằm cụ thể hóa và thúc đẩy triển khai Kế hoạch số 366/KH-UBND ngày 13-12-2024 về đổi mới công tác vệ sinh môi trường, trong đó trọng tâm là việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng phương tiện cơ giới, hiện đại.

Kế hoạch này được xây dựng và triển khai theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến làm việc với thành phố Hà Nội, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Thủ đô phát triển xanh, sạch, bền vững, thể hiện tầm vóc quốc gia và là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước. Trước yêu cầu đó, thành phố xác định việc cải thiện chất lượng vệ sinh môi trường không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, mà còn là chiến lược lâu dài, liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của người dân và hình ảnh Thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

Một trong những điểm đột phá của kế hoạch lần này là việc chuyển đổi phương thức thu gom, vận chuyển rác thải từ thủ công sang cơ giới hóa, hiện đại hóa. Theo đó, các phương tiện chuyên dụng do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội nhập khẩu đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận và được cấp biển số xe bởi Công an thành phố.

vsmt.jpg
Rác thải tại các phường nôi đô được thu gom theo giờ, hạn chế vứt bừa bãi ra môi trường. Ảnh: Hoàng Sơn

Điểm đáng chú ý, hệ thống xe thu gom, ép rác mới không chỉ giúp giảm đáng kể lao động thủ công, mà còn bảo đảm vệ sinh, mỹ quan đô thị, giảm phát tán mùi hôi và nước rỉ rác. Các thiết bị được thiết kế hiện đại, kín khít, có khả năng vận hành trong không gian hẹp của đô thị trung tâm, đồng thời bảo đảm an toàn trong vận hành và giảm phát thải gây ô nhiễm.

Bên cạnh phương tiện, thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, cụ thể là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chuẩn bị kỹ về nhân lực, công nghệ, xây dựng quy trình vận hành khoa học, hiệu quả và minh bạch. Việc công khai thời gian, địa điểm, tần suất thu gom rác cũng là yêu cầu bắt buộc, nhằm tạo điều kiện để người dân giám sát, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng.

urenco.jpg
Xe rửa đường phố được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Hoàng Hiệp

Chính quyền là chủ công, người dân giữ vai trò trung tâm

Không chỉ đổi mới công nghệ và phương tiện, Kế hoạch số 366 và Công văn số 3984 còn nhấn mạnh vai trò chủ đạo của chính quyền cấp cơ sở - nơi gần dân, sát thực tế và nắm rõ các đặc điểm địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND các phường thuộc địa bàn trọng điểm, như: Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Ba Đình, Ngọc Hà, Giảng Võ, Đống Đa, Láng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng, Bạch Mai, Vĩnh Tuy... được giao trách nhiệm cụ thể trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch.

Các nhiệm vụ đặt ra bao gồm: Rà soát, bố trí hợp lý hạ tầng thu gom, các điểm đặt thùng rác, vị trí tập kết, trung chuyển rác, lắp đặt camera giám sát; tổ chức tuyên truyền để người dân phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; xử lý chất thải rắn xây dựng đúng quy trình. Đặc biệt, chính quyền phường chịu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh sau khi đơn vị vệ sinh hoàn thành nhiệm vụ, xử lý và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm như xả rác bừa bãi, đổ rác không đúng nơi quy định.

vsmt2.jpg
Thùng chứa rác thải sinh hoạt có nắp đậy là một giải pháp hiệu quả để hạn chế mùi hôi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ảnh: Hoàng Hiệp

Cách làm này thể hiện sự chuyển hướng từ cơ chế "bao cấp dịch vụ" sang "trao quyền trách nhiệm", thúc đẩy tinh thần chủ động, linh hoạt của cấp cơ sở, tạo chuyển biến từ gốc rễ trong công tác quản lý môi trường.

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến vai trò trung tâm của người dân trong công tác vệ sinh môi trường. Các cơ chế, công nghệ và chính sách dù hiện đại đến đâu, nếu thiếu sự đồng hành của cộng đồng thì hiệu quả khó bền vững.

Chính vì vậy, thành phố Hà Nội xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân là một trong những trụ cột trong chiến lược đổi mới vệ sinh môi trường. Cụ thể, các phường phải phối hợp với tổ dân phố, đoàn thể nhân dân để tổ chức các buổi phổ biến về quy định bỏ rác đúng giờ, phân loại rác tại nguồn; vận động người dân cam kết không đổ rác ra đường, vỉa hè; kịp thời phản ánh các vi phạm đến chính quyền cơ sở. Đáng chú ý, hành vi bỏ rác sai quy định sẽ bị xử phạt nghiêm theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP với mức phạt có thể lên đến hàng triệu đồng.

Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng được huy động để lan tỏa thông điệp “Giữ gìn vệ sinh môi trường là trách nhiệm của mỗi người dân Thủ đô”, tạo hiệu ứng xã hội rộng khắp.

vsmt3.jpg
Xe phun sương áp lực cao góp phần khuếch tán bụi mịn lơ lửng trong không khí. Ảnh: Hoàng Sơn

Để bảo đảm tiến độ, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị báo cáo định kỳ 2 tuần/lần (vào ngày 15 và 30 hằng tháng) gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường. Các trường hợp vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện cũng phải được báo cáo kịp thời để có phương án xử lý. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ở cơ sở được thành phố siết chặt, nhằm bảo đảm hiệu quả thực chất, không hình thức, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Việc triển khai đồng bộ phương án đổi mới công tác vệ sinh môi trường tại Hà Nội là bước đi mang tính đột phá, hướng đến đô thị xanh - sạch - hiện đại. Đây cũng là phép thử cho năng lực tổ chức, điều hành của chính quyền các cấp và là minh chứng rõ ràng cho tinh thần hành động của cả hệ thống chính trị trong việc hiện thực hóa chỉ đạo của trung ương và thành phố Hà Nội.

Muốn Thủ đô thực sự “thay da đổi thịt”, không thể chỉ trông chờ vào công nghệ hay chế tài, mà đòi hỏi mỗi người dân phải là một “người giữ gìn môi trường”, từ những hành động nhỏ như không xả rác, đổ rác đúng giờ đến góp ý, giám sát các vi phạm trên địa bàn. Đã đến lúc, vệ sinh môi trường không còn là công việc của riêng ngành môi trường, mà là nhiệm vụ chung của toàn dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Đổi mới công tác vệ sinh môi trường, vì Thủ đô xanh, sạch, đẹp

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.