(HNM) - Với những người làm công tác an toàn thực phẩm thì niềm vui đi liền nỗi vất vả chính là hoàn thành trọng trách trước người tiêu dùng về sản phẩm sạch; thanh lọc sản phẩm không an toàn ra khỏi thị trường.
Mỗi người một nhiệm vụ
Theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm soát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở lò mổ và các chợ đầu mối... mới thấy sự vất vả, khó khăn của công việc này. Công việc tưởng chừng rất đơn giản: Kiểm tra giấy tờ, lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm... nhưng để đưa ra kết quả chính xác về mẫu sản phẩm, những người làm công tác này phải trải qua quá trình làm việc miệt mài, đúng quy trình, không xảy ra sai sót nghiêm trọng...
Cán bộ thú y lấy mẫu test nhanh chất cấm tại lò mổ Vinh Anh (huyện Thường Tín). |
Sau khi nhắc nhở cán bộ chốt kiểm dịch tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì) kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc sản phẩm thịt lợn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Lò mổ Vạn Phúc trung bình mỗi ngày cung cấp 1.500 con lợn ra thị trường, ngày Tết có thể tăng lên 2.000 con/ngày - đêm, nên việc giám sát cần phải chặt chẽ. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất phức tạp, đòi hỏi những người làm công tác kiểm soát giết mổ phải có tinh thần trách nhiệm cao và giữ tâm trong sáng, không vì lợi ích nhỏ để gây ra hậu quả lớn cho xã hội.
Hằng đêm, khi mọi người vừa yên giấc cũng là lúc cán bộ thú y đi làm nhiệm vụ của mình. Anh Phạm Trung Bắc - Cán bộ thú y xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) chia sẻ: Hoạt động giết mổ thường thực hiện vào quãng thời gian từ nửa đêm đến sáng sớm nên người làm công tác thú y phải bám sát mới ngăn được sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Đó là chưa kể những khi có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thì bất kể sớm, trưa, ngày mưa hay nắng... cán bộ thú y phải đối mặt với ổ dịch cùng nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người. Anh Bắc nhớ lại: Vào năm 2010, khi dịch lợn tai xanh, cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng, mặc dù Bình Minh không phải xã phát triển chăn nuôi nhưng có hơn 200 hộ giết mổ và buôn bán gia súc, gia cầm... do thương lái mua ở các nơi mang về. Vì vậy, toàn bộ lực lượng trạm thú y huyện thay phiên xuống trực tiếp các hộ lấy mẫu xét nghiệm, sẵn sàng tổ chức tiêu hủy nếu phát hiện gia súc, gia cầm nhiễm bệnh...
Ông Lê Trung Kiên - bộ phận thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội) cho biết, vào những tháng gần Tết, hầu như ngày nào cán bộ của Chi cục cùng các sở, ban, ngành chức năng của thành phố liên tục kiểm soát sản phẩm nông sản bán tại các chợ đầu mối, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể, nhà hàng... "Hiện nay, số lượng điểm kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt, rau, củ, quả... của Hà Nội ngày một tăng cao. Thương lái vẫn lợi dụng trà trộn sản phẩm không bảo đảm chất lượng để bán kèm, thu lợi bất chính. Nếu các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, sẽ dễ xảy ra hậu quả lớn cho xã hội. Vì vậy, bất kể giờ giấc khi nào nhận được lệnh là chúng tôi lập tức lên đường thực hiện nhiệm vụ ngay” - ông Kiên chia sẻ.
Không chỉ những người làm kiểm soát sản phẩm nông sản, thực phẩm vất vả mà cả những người làm nhiệm vụ phân tích chất lượng cũng khá bận bịu. Vừa cho mẫu rau, thịt lấy từ cửa hàng ở chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) vào máy xét nghiệm, ông Lê Duy Trung - cán bộ Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cho hay, công việc lấy mẫu test nhanh phải tuân thủ đúng quy trình, từ số lượng mẫu đến từng công đoạn kiểm nghiệm các chỉ tiêu. Chỉ cần sơ suất nhỏ, kết quả không chính xác sẽ ảnh hưởng tới khâu tiêu thụ, gây thiệt hại cho nông dân và người tiêu dùng...
Không nản lòng
Những người làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn mang trong mình một trọng trách hết sức nặng nề. Theo ông Nguyễn Văn Bộ - cán bộ Trạm Thú y quận Bắc Từ Liêm, người làm công tác thú y dù ở cấp nào đều có chung một mục đích là làm sao không để dịch bệnh xảy ra và người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. "Gần đây, chính sách đãi ngộ của thành phố đối với cán bộ thú y đã bước đầu cải thiện. Song, đối với cán bộ thú y cấp xã, phường, thị trấn đã được ký hợp đồng và hưởng lương theo bằng cấp, hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như viên chức... chỉ được hưởng phụ cấp khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tháng. Tuy có chút tâm tư nhưng chúng tôi đều nhắc nhở nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao” - ông Nguyễn Văn Bộ kể.
Trong một lần được phân công tham gia cùng Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm với Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Tiến Thực - cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng chia sẻ: Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng lớn, nên những người làm công việc này rất vất vả, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng. Dù ở hoàn cảnh nào, mỗi thành viên trong đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bày bán trên thị trường, không gây phiền hà cho người kinh doanh.
Đánh giá về công tác kiểm dịch thú y, kiểm soát an toàn thực phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, trung bình mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ hơn 1.000 tấn thịt, 600 tấn thủy sản, 3.500 tấn rau, củ, quả, song thành phố mới đáp ứng được khoảng 60% còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác về. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh vẫn chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung bảo đảm chất lượng nông sản, thực phẩm đưa về Thủ đô. Nhất là những tháng cao điểm dịp Tết, khi số lượng tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng 20%, vì thế các đơn vị của Sở thường xuyên phối hợp với các sở, ngành của thành phố ngày đêm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa ở lò mổ, chợ đầu mối.
“Dù vất vả, khó khăn, nhưng có thể nói, họ là những người làm việc thầm lặng và có đóng góp vô cùng thiết thực, như những “chiến binh” bảo vệ cho từng bữa cơm mỗi gia đình, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.