Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cây cầu tạm bợ

An – Tâm| 13/04/2016 06:48

(HNM) - Xuất hiện hơn 20 năm trước, những cầu tạm dân sinh - được xây dựng chắp vá, tềnh toàng đúng như tên gọi - vẫn là

Người dân đi lại bằng cầu tạm bắc qua Sông Đáy trên địa bàn xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức.


Tạm bợ, nguy hiểm

Tại huyện Mỹ Đức có tới 4 cây cầu tạm bắc qua Sông Đáy, riêng xã Bột Xuyên có đến 2 cầu tạm, nối liền với các xã của huyện Ứng Hòa là Cao Thành và Viên Nội. Người dân ở đây cho biết, mặc dù đã có cầu được xây dựng kiên cố nhưng nếu sử dụng cầu này, họ phải đi vòng 4km mới tới xã bên kia.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù nhanh và thuận tiện nhưng bất kỳ ai đi qua những cây cầu tạm đều có thể gặp nguy hiểm. Các cây cầu đều rất nhỏ, có chiều rộng khoảng 1,2m và chiều dài là 70m, được thiết kế sơ sài, nổi lên nhờ các khối bê tông dạng thuyền nằm ngang. Mặt cầu được làm bằng sắt mỏng, phía trên cùng là những miếng gỗ không đều nhau hoặc tấm bê tông nham nhở. Thành cầu là những thanh sắt được chắp nối chằng chịt hoen gỉ, một vài chỗ sắt đã bung ra và được cố định bằng thép gai xỉn màu. Cầu được cố định bằng khoảng chục sợi dây thừng đã sờn nối với những thân cây ở hai bên bờ sông. Một vài nhịp bị bung ra được chắp tạm bợ bởi một lớp sắt mỏng khác. Hai bên đầu cầu, rác bám đầy.

Vì trên địa bàn các xã Cao Thành và Viên Nội (Ứng Hòa) đều có chợ dân sinh nên nhu cầu đi lại của bà con các xã thuộc hai huyện rất lớn. Có mặt tại một cầu tạm dân sinh ở Bột Xuyên, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân rồng rắn qua sông. Người xe máy, người xe đạp, có người còn chở những xe hàng to tướng để sang chợ. Mỗi khi có xe chạy qua, toàn bộ cầu chao đảo. Những chiếc xe máy như chực chồm về phía trước, thành cầu rung lên bần bật, các tấm ván dưới mặt cầu lật lên rồi nằm xuống khi khách qua sông. Không ít lần chứng kiến khách đi đường mặt tái mét khi lần đầu tiên qua cầu, anh Nguyễn Văn Diệp, công nhân tại Trạm bơm Viên Nội (trạm bơm gần đầu cầu Viên Nội) cho biết: "Nhiều chị phải sang bên Bột Xuyên nhưng nhìn thấy cầu thì sợ quá, không dám lái xe sang, toàn nhờ tôi đi hộ đấy".

Bà Võ Thị Thảo (xã Cao Thành, Ứng Hòa) kể: "Trước đây, đáy cầu chỉ là các thùng phuy thôi, thế nên lên cầu còn kinh hơn. Gió to, nước chảy xiết là cầu bị dạt đi, xiêu vẹo. Bây giờ đã có vẻ chắc chắn hơn nhưng nhiều người đi qua đây cũng sợ lắm. Chúng tôi đi xe đạp toàn phải dắt bộ sang chứ nào dám đạp". Mùa khô, nước sông cạn, người đi qua cầu bớt bị thử thách nhưng khi mùa nước lớn, mức độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần. Những ngày ấy, chủ cầu phải nối nhịp bằng sắt để mặt cầu dài ra. Tuy nhiên, khi nước lớn, cầu bị dạt sang một bên, dây thừng cũng không thể cố định, chủ cầu đành phải cắt cầu, không cho qua lại nữa.

Mong mỏi của người dân

Có lẽ không thể phủ nhận vai trò của những cây cầu tạm dân sinh đối với cuộc sống của người dân nơi đây trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, những chiếc cầu mỏng manh kia cũng chính là những cái bẫy chực chờ những bước chân thiếu cẩn trọng. Dòng Sông Đáy ngày thường hiền hòa bao nhiêu, vào những ngày mưa lũ lại trở nên đáng sợ bấy nhiêu. Chẳng vậy mà, cho đến nay, mỗi lần nhớ lại những tai nạn thương tâm liên quan đến cây cầu Tía, bà Nguyễn Thị Bình, thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, vẫn chưa hết xót xa. Bà kể, mùa nước lũ mấy năm trước, có hai bố con đang qua cầu thì cô con gái, chừng 20 tuổi, không may trượt chân ngã. Ông bố hốt hoảng níu vội tay con nhưng không kịp. Một chàng trai trẻ đang đứng trên bờ thấy vậy liền nhảy xuống cứu. Ngặt nỗi, nước chảy xiết quá! Sức của một thanh niên đang ở tuổi "bẻ gãy sừng trâu" vẫn không thể cưỡng lại dòng chảy cuồn cuộn của nước. Cả hai người bị nước lũ cuối trôi, mãi đến chiều tối người dân mới tìm thấy thi thể.

Kể đến đây, giọng bà Bình nghẹn lại. Bà bảo: "Mặt cầu làm bằng gỗ, mỗi khi trời đổ mưa, nhiều chỗ cứ trơn như đổ mỡ. Hồi đầu mới dựng, cầu còn chưa có lan can, xe máy qua lại chỉ cần lơ đãng một chút là lao thẳng xuống sông chứ chẳng đùa. Người lớn đã đành, lo nhất là đám trẻ nhỏ, cô ạ. Cách đây không lâu cũng có 2 cháu nhỏ không may bị nạn trong lúc qua cầu. Nghĩ mà thương tâm lắm!".

Là một trong hai gia đình bỏ tiền dựng cầu Tía nối liền 2 thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên) và Tử Dương (xã Cao Thành), bà Nguyễn Thị Dung cho biết mỗi tháng, bà đều phải đóng phí 350 nghìn đồng và 1 triệu đồng tiền thuế môn bài mỗi năm cho xã. Bù lại, khi sang Bột Xuyên, khách qua cầu phải trả cho bà Dung từ 1.000 đến 4.000 đồng/lượt, tùy đi bộ hay xe đạp, xe máy. "Thấy bà con đi lại nhiều nên nhà tôi xây cầu để phục vụ. Chúng tôi cũng phải thường xuyên sửa chữa, cầu mới được như thế này, vì sắt ngâm nước nên nhanh hỏng lắm. Mặc dù đông khách qua lại, nhưng nếu Nhà nước quan tâm, có thể xây được một cây cầu mới thay thế những chiếc cầu tạm thì chúng tôi rất phấn khởi", bà Dung chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Ngọc Thực, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên cho biết, mặc dù phục vụ một lượng lớn người dân đi lại nhưng các cây cầu tạm dân sinh đều do các hộ dân tự xây dựng và quản lý. Các đoàn cán bộ cấp huyện vẫn thường xuyên nhắc nhở về vấn đề bảo đảm an toàn nhưng chủ yếu vẫn do ý thức của người dân. Theo ông Thực, xã không đủ chuyên môn để khẳng định cầu có an toàn hay không nên không thể đưa ra đánh giá cụ thể nào.

Ông Thực thông tin thêm: "Đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra nhưng chủ yếu từ nhiều năm trước, nay gần như không có. Tuy nhiên, có một cây cầu vững chắc vẫn là mong mỏi bao năm qua của người dân 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Thời gian tới, được sự quan tâm hỗ trợ của thành phố, chúng tôi sẽ bắt tay xây dựng cây cầu mới, cầu Mỹ Hòa, với tổng đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Hiện mọi công tác chuẩn bị đã xong, theo dự kiến, đầu tháng 6 tới công trình sẽ được khởi công".

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tiến, Chủ tịch UBND xã Cao Thành (Ứng Hòa) khẳng định: "Trong những năm qua, chúng tôi chưa ghi nhận trường hợp nào gặp sự cố khi đi qua cây cầu tạm nối xã Bột Xuyên và xã Cao Thành. Chúng tôi giao cho chủ cầu của xã quản lý, có văn bản cam kết, hợp đồng rõ ràng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân qua lại. Xã cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ cầu phải sửa chữa, thay mới để người dân đi lại thuận tiện, tránh nguy hiểm". Ông Tiến cũng cho biết, đã có dự án xây cầu mới bắc qua hai xã Bột Xuyên và Cao Thành cách cây cầu tạm khoảng 100m. Tuy nhiên, thời điểm triển khai như thế nào ông Tiến cũng chưa nắm được.

Trước đó, từ năm 2014, sau một loạt vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến cầu treo, cầu tạm ở nhiều địa phương, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cầu treo, cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn toàn thành phố; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, rà soát các cầu tạm do người dân tự phát xây dựng trên địa bàn không bảo đảm kỹ thuật và kém an toàn, kiên quyết cấm lưu thông nếu nguy cơ mất an toàn gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.

Thế nhưng, công tác kiểm tra, rà soát của các địa phương cũng chỉ mang tính "đột xuất", chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Kế hoạch dài hơi là cần khảo sát nhu cầu dân sinh, xây dựng thêm những cây cầu bê tông cốt thép kiên cố thay thế cầu tạm nguy hiểm, đẩy nhanh tiến độ những dự án cầu đã được phê duyệt, kịp thời đáp ứng mong mỏi được đi lại an toàn, thuận tiện của người dân các khu vực ven sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cây cầu tạm bợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.