Qua rà soát của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn 144 cầu tạm, cầu yếu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Sở kiến nghị với thành phố, giai đoạn 2024-2025, ưu tiên đầu tư thay thế các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông; đồng thời có phương án duy tu, duy trì, cắm biển hạn chế tải trọng đối với các cầu yếu...
Nhiều cầu xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn
Trong tổng số 144 cầu tạm, cầu yếu trên địa bàn Thủ đô, có 55 cầu do thành phố quản lý, 89 cầu được phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý, cần thiết phải đầu tư, cải tạo. Điển hình như cầu Trắng, cầu Sét (quận Hoàng Mai); cầu Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng); cầu Yên Sở (huyện Hoài Đức); cầu Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); cầu Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì)…
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hầu hết các cầu đều có chiều ngang hẹp, nhỏ hơn bề rộng đường đầu cầu; phải hạn chế tải trọng do xây dựng từ lâu, kết cấu chịu lực xuống cấp. Nhiều cầu chỉ đáp ứng tải trọng của xe thô sơ, xe máy..., không đáp ứng được nhu cầu giao thông hiện tại. Tải trọng bị hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác của cả đoạn tuyến.
Cá biệt, nhiều công trình cầu tuy kết cấu đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không cắm biển hạn chế tải trọng, các phương tiện quá khổ, quá tải vẫn thường xuyên lưu thông. Đây là nguyên nhân làm cầu ngày càng xuống cấp và nguy cơ đổ sập là khó tránh khỏi.
Đáng chú ý, trong nhóm công trình do địa phương đề xuất, nhiều cây cầu có kết cấu tạm bợ, do người dân tự dựng lên để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương trong khu vực, tập trung chủ yếu ở các huyện Ứng Hòa, Sóc Sơn…
Hằng ngày phải thường xuyên qua lại cầu Trắng (quận Hoàng Mai), ông Nguyễn Văn Thịnh (trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Cầu xây dựng đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng, trong khi lượng phương tiện đi qua cầu này mỗi ngày rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong thành phố sớm quan tâm đầu tư, cải tạo lại cầu”.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, cầu Lương Phúc (xã Việt Long) bắc qua sông Cà Lồ là cầu phao dài 60m, rộng 3m, được nhân dân địa phương đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại thay thế bến đò, có vai trò kết nối giao thông giữa các xã phía Đông huyện Sóc Sơn với huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Đây là tuyến đường chủ yếu của công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp Sóc Sơn lưu thông, đồng thời là tuyến đường duy nhất để phục vụ sản xuất nông nghiệp ngoài đê của nhân dân xã Việt Long. Cầu hẹp, chỉ cho phép người đi bộ và xe máy đi qua nên không đáp ứng được nhu cầu đi lại và gây mất an toàn giao thông trong mùa mưa bão. Cử tri địa phương đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ.
Phân loại để ưu tiên đầu tư
Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đã tham mưu, đề xuất thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng các công trình thay thế cầu yếu. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Từ kết quả đánh giá, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phân loại thành 3 nhóm làm cơ sở đề xuất danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư.
Trong đó, nhóm 1 là các cầu cần đầu tư xây dựng mới, thay thế cầu cũ; nhóm 2 gồm các cầu còn sử dụng được, cần sửa chữa, cải tạo; nhóm 3 gồm các cầu chưa có phát hiện hư hỏng ảnh hưởng đến an toàn chịu lực, cần theo dõi, kiểm tra duy tu định kỳ.
Đối với nhóm 1, việc chuẩn bị sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2024-2025. Các đơn vị liên quan lập, thẩm định phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công và giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn năm 2026-2030, các cầu sẽ được thi công xây dựng; bàn giao đưa vào khai thác. Trong quá trình đầu tư, các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông được ưu tiên xử lý ngay trong giai đoạn 2024-2025.
“Trong số 55 cầu do thành phố quản lý, với các cầu thuộc nhóm 1, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND thành phố giao Sở chủ trì lập đề xuất chủ trương đầu tư và làm chủ đầu tư 15 công trình, dự kiến triển khai trong năm 2024-2025. Với các cầu thuộc nhóm 2, Sở đề xuất bổ sung, bố trí vốn từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, để cải tạo, sửa chữa 23 cầu, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại. Với 17 cầu thuộc nhóm 3, Sở đề xuất tiếp tục theo dõi, đánh giá, kiểm tra định kỳ để lên kế hoạch sửa chữa, cải tạo trong giai đoạn 2026 - 2030”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết.
Với 89 cầu do địa phương quản lý, quan điểm thống nhất là các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng phải được ưu tiên xử lý ngay trong giai đoạn 2024-2025, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ một phần (khoảng 1.200 tỷ đồng). Với các cầu thuộc giai đoạn 2026-2030, địa phương chủ động quyết định trên cơ sở thứ tự ưu tiên đã được Sở Giao thông vận tải rà soát, bảo đảm việc đầu tư tập trung, không dàn trải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.