Xã hội

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 1-8-2024

Quỳnh Anh 01/08/2024 - 06:18

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Cần ứng phó linh hoạt với tình hình lũ lụt; Tháo gỡ vướng mắc của từng dự án thuộc 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục; Tắt sóng mạng 2G: Không để ảnh hưởng đến người dùng; Cấp thiết cải tạo, thay thế cầu tạm, cầu yếu; Du lịch trong mùa mưa bão: Bảo đảm an toàn cho du khách; Khuyến cáo người dân chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 1-8-2024.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Cần ứng phó linh hoạt với tình hình lũ lụt

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyển Văn Cảnh/TTXVN
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN

Ngày 31-7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội họp khẩn bàn biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây úng ngập tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.
Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai ở một số địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra, yêu cầu các cấp chính quyền phải khẩn trương triển khai giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ lớn tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Ngay từ đầu năm 2024, thành phố Hà Nội đã phê duyệt các phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… cũng xây dựng và phê duyệt phương án của mình. Tuy nhiên, ở mỗi phương án, kịch bản về phòng, chống thiên tai lại dựa trên kinh nghiệm và tình hình mưa lũ hằng năm để xây dựng. Vì vậy, khi phát sinh tình huống thiên tai vượt dự báo thì hậu quả khó lường. Do vậy, các sở, ngành, địa phương phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo để ứng phó sát với thực tế, nhất là với diễn biến lũ lụt ở từng thời điểm.

Tháo gỡ vướng mắc của từng dự án thuộc 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục

1(3).jpg
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Việt Tuấn

Ngày 31-7, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, chủ trì hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo, nhằm đánh giá kết quả công tác thời gian qua, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thời gian triển khai các dự án 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa trong giai đoạn 2022-2025 không còn nhiều, các đơn vị cần rà soát; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cụ thể từng dự án với mục tiêu quyết tâm hoàn thành kế hoạch.

Tắt sóng mạng 2G: Không để ảnh hưởng đến người dùng

a17.jpg
Tắt sóng 2G để dành băng tần phát triển công nghệ mới hơn. Ảnh: MobiFone

Theo kế hoạch đã được công bố, đến tháng 9-2024, các doanh nghiệp viễn thông sẽ tắt sóng mạng 2G, dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại công nghệ 2G (còn được gọi là 2G only). Như vậy, thời gian không còn nhiều và vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là việc dừng công nghệ 2G có ảnh hưởng đến người dùng?

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, đến tháng 9-2024 sẽ không cung cấp dịch vụ cho thuê bao sử dụng công nghệ 2G, nhưng mạng lưới 2G vẫn duy trì để phục vụ kết nối máy với máy và các thuê bao 4G nhưng chưa hỗ trợ cuộc gọi VoLTE, nhằm bảo đảm chất lượng cho người sử dụng. Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang thực hiện các thủ tục để sử dụng nguồn từ Quỹ Viễn thông công ích nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi máy 2G lên 4G…

Cấp thiết cải tạo, thay thế cầu tạm, cầu yếu

untitled-6.jpg
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, trên toàn địa bàn thành phố hiện có tới 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cần sửa chữa, nâng cấp hoặc thay thế. Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+

Qua rà soát của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố còn 144 cầu tạm, cầu yếu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Sở kiến nghị với thành phố, giai đoạn 2024-2025, ưu tiên đầu tư thay thế các cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông; đồng thời có phương án duy tu, duy trì, cắm biển hạn chế tải trọng đối với các cầu yếu...

Du lịch trong mùa mưa bão: Bảo đảm an toàn cho du khách

1-2-.jpg
Tàu du lịch Thăng Long Victory chạy trên sông Hồng. Ảnh: Ngọc Bích

Du lịch Việt Nam đang trong mùa cao điểm dành cho khách nội địa, trùng với thời điểm trong nước bắt đầu bước vào mùa mưa bão. Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động kích cầu hấp dẫn, nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chủ động lên phương án bảo đảm an toàn cho du khách trong điều kiện thời tiết bất thường, với mục tiêu giữ những trải nghiệm trọn vẹn, đáng nhớ trong chuyến tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách.

Khuyến cáo người dân chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở

tiem.jpg
Tiêm vắc xin phòng uốn ván tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Chiều 31-7, theo tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, thời gian qua, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận điều trị cho gần 10 bệnh nhân mắc bệnh uốn ván nặng. Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt, co cứng toàn thân, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 1-8-2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.